Mục lục
- GS Nguyễn Văn Hoàn-Kỷ niệm về thầy Nguyễn Mạnh Tường
- Người trí thức nhiều huyền thoại
- RFI -Nguyễn Mạnh Tường
- TS. Nguyễn Mạnh Tường-Vừa khóc vừa cười
- Giáo sư, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường: Chữ tài liền với chữ tâm
- Nguyễn Mạnh Tường - Người lập kỷ lục trên đất Pháp
- Nguyễn Mạnh Tường-Qua những sai lầm trong Cải cách Ruộng đất -
- Nguyễn Mạnh Tường - Kẻ bị rút phép thông công (1)
- Nguyễn Mạnh Tường - Kẻ bị rút phép thông công (2)
- Nguyễn Mạnh Tường - Kẻ bị rút phép thông công (3)
- Nguyễn Mạnh Tường - Kẻ bị rút phép thông công (4)
- Nguyễn Mạnh Tường - Kẻ bị rút phép thông công (5)
- Nguyễn Mạnh Tường - Kẻ bị rút phép thông công (6)
- Nguyễn Mạnh Tường - Kẻ bị rút phép thông công (7)
- Nguyễn Mạnh Tường - Kẻ bị rút phép thông công (8)
- Nguyễn Mạnh Tường - Kẻ bị rút phép thông công (9)
- Nguyễn Mạnh Tường - Kẻ bị rút phép thông công (10)
- Nguyễn Mạnh Tường - Kẻ bị rút phép thông công (11)
- Nguyễn Mạnh Tường - Kẻ bị rút phép thông công (12)
Saturday, December 12, 2009
Người trí thức nhiều huyền thoại
Năm 30 tuổi, Nguyễn Mạnh Tường mở thêm Văn phòng luật sư ở ngôi nhà 77 đường Trần Hưng Đạo – Hà Nội. Từ đó, bên cạnh giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, người ta còn biết luật sư Nguyễn Mạnh Tường. Trong giới trí thức Việt Nam, Nguyễn Mạnh Tường gắn với nhiều huyền thoại. Khi ông về nước, trong số người ra đón có một cụ già không quen biết. Cụ đến trước chàng trai kính cẩn cúi đầu vái lạy: “Cậu là người có tài. Mong cậu đừng lấy cái tài ấy phụng sự ngoại bang”. Chuyện ấy chẳng biết thật bao nhiêu phần trăm. Chỉ biết ông Trạng Tây này suốt đời xứng đáng là một trí thức yêu nước.
… Thái Bình là một tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ bị Pháp chiếm đóng sau. Vì thế, thời kỳ 1947-1947 nhiều trí thức tên tuổi của đất nước theo cơ quan hoặc tản cư về Thái Bình: Bùi Kỷ, Tăng Xuân An, Trịnh Đình Rư, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn tường Phơnựg, Hoàng Như mai, Nguyễn Mạnh Tường…Và thời kỳ ấy lại có một câu chuyện dân gian xuất hiện, lan truyền rất nhanh. Chuyện rằng: một thanh niên nông dân đi làm đồng về, thấy kẻ khác đang ôm ấp vợ mình. Sẵn cái cuốc trên tay, anh ta phanh một cái chết ngay kẻ địch. Phien toà mở ra. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường được chỉ định bào chữa. Ông chỉ có ít phút gặp thân chủ của mình. Diễn biến phiên toà đúng như chủ định: anh nông dân chịu án tử hình và được phép nói lời cuối cùng. Anh nhìn chánh toà, nhìn luật sư, ngập ngừng nói: “Xin phép được hôn bà chánh toà trước khi chết. Bị bất ngờ, chánh toà không kịp trấn tĩnh, đập bàn quát mắng anh nông dân rằng tội lỗi đến thế mà còn dám hỗn láo nói liều. Nhân đó, luật sư Nguyễn Mạnh Tường nói thêm: “Thưa ông chánh toà. Ông là người có học thức, suy nghĩ chin chắn mà trước câu nói không đâu của người sắp chết, còn nổi giận ghê gớm như thế - nói chi anh nông dân nghèo ít học kia, trông thấy người đàn ông trong buồng vợ mình thì sự giận dữ đến mức hành động thiếu suy nghĩ là điều có thể hiểu được”. Thế là anh nông dân được giảm án. Tiến sĩ luật khoa Đào Quang Hữu hiện ở TP. Hồ Chí Minh, học trò thầy Tưởng ở trường Bưởi, bảo đảo chuyện trên là có thật. Phiên toà diễn ra ở làng Xuân Thọ, huyện Đông Quan, Thái Bình. Chánh toà là luật sư Nguyễn Văn Chất, có người vợ trẻ, đẹp. Và ai cũng hiểu rằng nụ hôn cuối cùng anh nông dân đòi hỏi là nụ hôn Nguyễn Mạnh Tường!
RFI -Nguyễn Mạnh Tường
Nguyễn Mạnh Tường
Sau Hoàng Đạo, Nguyễn Mạnh Tường là người dùng lý lẽ luật pháp để phê bình những sai lầm về mọi mặt trong chính sách cai trị thiếu dân chủ của đảng Lao Động, đặc biệt trong bài tham luận "Qua những sai lầm trong cải cách ruộng đất, xây dựng quan điểm lãnh đạo" đọc trước Mặt trận tổ quốc ngày 30/10/1956 trong thời kỳ NVGP.
Sau này, Nguyễn Mạnh Tường để lại hai tác phẩm quan trọng, viết bằng tiếng Pháp, cuốn Un Excommunié (Kẻ bị khai trừ), viết về ba "đấu trường" mà ông phải trải qua sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm, và cuốn tiểu thuyết Une voix dans la nuit, roman sur le Viet nam 1950-1990-1993, (Tiếng vọng trong đêm, tiểu thuyết về Việt Nam những năm 1950-1990-1993), tóm tắt lịch sử cận đại, xuyên qua ba chặng khốc liệt nhất: Cải cách ruộng đất ở thôn quê, Cải cách bất động sản ở Hà Nội, và Chính sách đối với trí thức. Nội dung những tác phẩm này sẽ được đề cập đến sau, ở đây chúng tôi chỉ giới thiệu đoạn ông viết về khái niệm tự do dân chủ trong lòng trí thức Việt Nam thế kỷ XX trong chương Le problème des intellectuels (Vấn đề người trí thức):
Trước hết, Nguyễn Mạnh Tường định nghiã thế nào là trí thức?
Dùng lời một cán bộ cao cấp, thân cận với giới trí thức, báo cáo lên Tổng Bí Thư, (có thể hiểu như lời Trường Chinh nói với Hồ Chí Minh), Nguyễn Mạnh Tường viết:
"Tôi muốn nói những nhà trí thức đích thực, đối cực của thứ trí thực giả hiệu ngực phồng những phẩm hàm, những bằng cấp thật giả không sao biết được. (...)
Ở những nhà trí thức đích thực, nhân cách đi đôi với văn hoá. Văn hóa ở đây không có nghiã là kiến thức. Có những người đầy kiến thức, là chuyên viên hàng đầu trong địa hạt hoạt động của mình, nhưng họ vẫn vô văn hoá, bởi lối nhìn về con người, về vạn vật của họ ấu trĩ vô cùng. Sự nhận thức thực tế xã hội và con người của họ ngây ngô lạ lùng!
Họ thiếu cái gì? Thiếu sự phán đoán được rèn luyện qua sách vở, thiếu sự giao tiếp với con người, thiếu tiếp cận những vấn đề của cuộc sống, thiếu trao đổi tư tưởng với người khác, thiếu sự suy nghĩ sâu xa và đúng đắn về những thành công và thất bại mà kinh nghiệm sống đem lại". (trích dịch Nguyễn Mạnh Tường, Une voix dans la nuit, roman sur le Viet nam 1950-1990-1993, Tiếng vọng trong đêm, tiểu thuyết về Việt Nam những năm 1950-1990-1993), bản đánh máy, chưa in).
Đó là một định nghiã trí thức của Nguyễn Mạnh Tường qua lời một cán bộ cao cấp cộng sản. Và đây là vị trí của người trí thức đích thực trong xã hội Việt nam từ xưa đến nay:
"Nhờ nhân cách và văn hoá mà người trí thức, trung quân trong thời phong kiến, có uy tín đối với quần chúng và được vương quyền nể trọng. Sau khi thi đỗ, ra làm quan cai trị dân là họ hoàn tất nhiệm vụ của mình.
Trong thời Pháp thuộc, giai cấp quan lại bị mất uy tín vì sa vào vòng thối nát hối lộ, mất đi cái hào quang xưa, trở thành cái bia cho báo chí và quần chúng chế giễu, phỉ báng.
Nhưng lớp trí thức mới được đào tạo từ những trường hay đại học Pháp, lại được hưởng niềm tin và kính trọng của quần chúng mà lớp trí thức xưa để lại. Thêm một sự kiện mới nữa: Những nhà trí thức tân học đích thực này đã tiếp nhận tinh thần dân chủ Pháp thoát thai từ cách mạng 1789. Họ không xa lạ gì với vấn đề nhân quyền.
Thưa đồng chí Tổng bí thư, cái nguy hiểm là ở chỗ đó: Con trùng dân chủ và nhân quyền đã thấm vào máu, nhất là tầng lớp quan lại xuất thân từ đại học Luật mới mở những năm gần đây. Dĩ nhiên có người vẫn còn chịu ảnh hưởng truyền thống cũ, có người là nạn nhân những di tật người trước để lại, nhưng trong đáy lòng họ, vẫn le lói ngọn lửa dân chủ". (Trích dịch Nguyễn Mạnh Tường, Une voix dans la nuit - Tiếng vọng trong đêm)
Mượn lời một cán bộ cao cấp báo cáo tính hình trí thức lên vị Tổng bí thư về mối hiểm nguy của tinh thần dân chủ trong người trí thức tân học, tinh thần đó đã đi vào máu, đã ở trong tim họ, để vị tổng bí thư tìm cách đối phó, Nguyễn Mạnh Tường muốn phản ảnh hai thực tại:
- Trí thức thầm nhuần dân chủ là một lực lượng đáng ngại đối với chế độ cộng sản.
- Những người lãnh đạo cộng sản hiểu rõ vấn đề trí thức và dân chủ hơn ai hết. Họ phân biệt hai loại: trí thức thật và trí thức giả. Trí thức giả là bọn bồi bút, để chính quyền sai bảo, và trí thức thật, có uy tín với quần chúng, mới là những người mà Đảng cần phải thanh trừng, bởi đó là mối hiểm nguy: họ mang trong người tinh thần dân chủ, họ chống lại chính sách độc tài đảng trị và họ chuyên chở ý thức tự do cá nhân, chống lại chủ nghiã tập thể, đó là những điểm mà những nhà lãnh đạo cộng sản không thể chấp nhận được.
Nhờ sự giải thích của Nguyễn Mạnh Tường trong tiểu thuyết Tiếng vọng trong đêm, mà chúng ta có thể hiểu rõ hơn phương pháp và mục đích đấu tranh của phong trào NVGP, hiểu được mức hậu thuẫn sâu xa của quần chúng đối với phong trào và hiểu sự đàn áp của chính quyền cộng sản đối với trí thức văn nghệ sĩ tham gia NVGP.
Dập tắt được phong trào Nhân Văn Giai Phẩm tức là dẹp tan tinh thần tự do dân chủ và nghiền nát tầng lớp trí thức đích thực, chỉ để lại những "trí thức" lo "sống sót đến ngày nay là vì biết sợ" như lời Nguyễn Tuân. Tinh thần dân chủ đã bị "đánh tận gốc, trốc tận rễ" từ năm 1958, cùng với sự trù dập những thành viên của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm và ngày nay không dễ gì xây dựng lại được.
TS. Nguyễn Mạnh Tường-Vừa khóc vừa cười
Giới thiệu sơ nét về TS. Nguyễn Mạnh Tường:
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường(1909-1996), năm 23 tuổi đă đậu hai bằng Tiến sĩ Văn khoa và Luật khoa ở Đại học Montpellier, Pháp. Sau khi về nước, ông dạy học tại trường Trung học Bảo hộ (Lycée du Protectorat). Bất mãn vì chính sách kỳ thị của Pháp, ông bỏ nghề dạy ra mở văn phòng luật sư. Năm 1946, ông tham dự Hội nghị Việt-Pháp tại Đà-lạt nhưng không được cử đi dự Hội nghị Fontainebleau. Ông theo chính phủ Hồ Chí Minh kháng chiến chống Pháp tới ngày ký Hiệp định Genève 1954 thì trở về Hà Nội dạy học ở trường Đại Học Văn Khoa. Sau 1954 ông giữ các chức vụ Trưởng khoa Đại học Luật Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch Đoàn Luật sư, Phó Trưởng khoa Đại học Sư phạm Hà Nội; thành viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên của Hội Hữu nghị Việt-Pháp, Hội Hữu nghị Việt-Xô và Ủy ban Bảo vệ Hoà bình Thế giới, sáng lập viên Câu lạc bộ Đoàn Kết, Phó hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chuyên viên nghiên cứu giáo dục. Ông tham gia phái đoàn chính phủ dự hội nghị đàm phán ở Đà Lạt, dự các hội nghị hoà bình thế giới ở Bắc Kinh và Wien.
VỪA KHÓC VỪA CƯỜI
Trong một thiên anh hùng ca sáng tác vào khoảng thế kỷ thứ XI, thi sĩ tường thuật cuộc chiến đấu anh dũng của hai anh hùng Roland và Olivier, chống lại kẻ thù chung. Hai bạn chí thân giết được nhiều địch, nhưng hai người đều bị thương cả. Đặc biệt Olivier, máu chẩy nhiều, hoa cả mắt không nhận thấy gì nữa. Khi Roland lại gần để giúp bạn, Olivier tưởng nhầm là kẻ thù, bổ mấy nhát dao xuống, may không trúng đầu Roland. Anh này bèn dịu dàng lên tiếng: “Tôi là Roland đây mà. Sao anh đánh tôi?”. Olivier xin lỗi bạn: “Mắt tôi hoa, không nhận ra anh nữa.”
Khi châu Âu chuyển từ chế độ phong kiến sang chế độ tư sản, trong thế kỷ thứ XVI, Rabelais kể chuyện Badebec, vợ của Gargantua, vừa sinh con xong, thì từ trần: “Cái thắc mắc làm cho Gargantua rối trí là hắn không biết nên khóc vì vợ vừa chết, hay nên cười vì con vừa sinh”.
Đến cuối thế kỷ thứ XVIII, khi Cách mạng 1789 sắp bùng nổ, Figaro, một nhân vật của Beaumarchais, sau khi kiểm điểm tình hình của xã hội đã thủ tiêu hết mọi tự do, kêu lên: “Tôi vội vàng cười để tránh khỏi khóc oà.” Như thế không đúng. Phải khóc trên cái hiện thời để cười đón cái ngày mai. Dù sao, người trí thức là người vừa khóc vừa cười. Khóc vì các sai lầm phải chứng kiến trong hiện tại, cười vì vui với cái mới đang đến. Khóc vì đau khổ. Cười vì hy vọng. Khóc hôm nay để cười ngày mai. Trên quá trình từ cái khóc đến cái cười diễn ra cuộc đấu tranh tư tưởng của người trí thức.
Người nào chỉ biết hoặc khóc thôi, hoặc cười thôi, không phải là người trí thức.
Ta ân cần với người trí thức ưa khóc. Ta phải chiếu cố, nâng đỡ người ta. Người ấy đau khổ vì các thắc mắc căn bản và sâu sắc. Người ấy thành khẩn. Người ấy không phải là thù, người ấy là bạn. Ta phải kiên trì, cố gắng đưa cái khóc của ta biến thành cái cười.
Ta dè dặt, có khi ngần ngại, trước người trí thức ham cười. Ta hoan nghênh cái cười chân thật, xuất phát từ đáy lòng, nẩy nở trên các giọt lệ vừa khô. Nhưng ta khó chịu trước cái cười bình phong dùng để che đậy các thắc mắc bản thân mà mình không muốn thú với mình. Ta ghét cái cười dùng để mị trên, lừa dưới, câu các kẻ ngây thơ, biểu lộ một ý chí tôn sùng, hòng củng cố một địa vị, hay mưu cầu một bổng lộc. Quần chúng cần đề cao cảnh giác để khỏi mắc mưu cái cười ấy. Cấp lãnh đạo lại cần cảnh giác hơn nữa vì cái cười nịnh hót nuôi dưỡng bệnh chủ quan mà cấp lãnh đạo thường mắc.
Cái cười nguy hại này không nhất thiết biểu hiện bằng sự nhích môi. Nó có thể là linh hồn của một cử chỉ, nội dung của một thái độ. Có người cười bằng cái đầu nó gật, cái lưỡi nó tán thành ủng hộ. Trong bao nhiêu “tả khuynh”, tôi nghe thấy vang tiếng cười ấy.
Tôi sợ người trí thức im lặng. Tôi nghi ngờ người trí thức cười. Tôi thương người trí thức khóc. Tôi yêu người trí thức vừa khóc, vừa cười, khóc hôm nay để cười ngày mai, “khóc lên tiếng cười”.
TIN vẫn lợi hơn NGHI. Trong mười người ta tin, có thể có một kẻ thù lẻn vào. Nhưng ta vẫn còn chín người bạn. Và chín người bạn này sẽ giúp ta tìm ra kẻ thù ấy. Nếu ta nghi cả mười người, khi ta giơ tay, chẳng ai bắt tay ta. Ta không có một bạn nào cả.
Đồng ý rằng phải phân chia rõ rệt địch, ta. Nhưng ta phải xác định thái độ của ta đối với địch. Địch mưu hại ta và thực sự gây cho ta nhiều tổn thiệt. Nhưng ta chớ nên buộc cho nó trách nhiệm về các tai hoạ căn nguyên ở sự dốt nát, sai lầm, chủ quan của ta. Theo danh từ khác phổ biến: “như thế không lợi”. Không lợi vì ta đề cao địch, tỏ vẻ sợ địch. Không lợi nữa vì gán kết quả sai lầm của ta cho địch, ta không sửa chữa được gì, không rút được bài học của kinh nghiệm. Từ trước tới nay, ta chỉ đặt vấn đề: ai là địch, ai là ta? Tôi đề nghị đặt thêm vấn đề: do địch làm, do ta phạm. Điểm trên, đề cao cảnh giác và cho phép ta đề phòng, hoặc đối phó. Điểm dưới nêu cao tinh thần tự phê và giúp đỡ ta tự xây dựng.
Con thỏ sợ đến cả cái bóng của nó. Con sư tử bất chấp mọi thú vật. Ta không phải là sư tử cũng không muốn là sư tử. Nhưng nhất định ta không phải thỏ.
Kẻ thù số một của trí thức: bọn chụp mũ. Kẻ thù số một của cấp lãnh đạo: các cán bộ chuyên môn “cười”, và bọn vỗ ngực, và cả bọn chụp mũ nữa. Các cán bộ chuyên môn “cười”, dựa vào bọn vỗ ngực trong quần chúng, ru ngủ cấp lãnh đạo. Bọn chụp mũ nham hiểm hơn: họ gây thành kiến giữa lãnh đạo và quần chúng, họ vô tình hay hữu ý xuyên tạc các nguyện vọng chính đáng, các yêu cầu hợp tình, hợp lý, hợp pháp của quần chúng. Họ là Iago xúc xiểm Othello ghen vợ, ghét vợ, giết vợ. Bị bao vây chặt chẽ như vậy, tài nào cấp lãnh đạo hiểu biết được sự thật của quần chúng?
Có một số người thấy phong trào quần chúng đòi hỏi ở Đảng lãnh đạo, một chính sách cho trí thức (với các tự do dân chủ và mối quan hệ tốt giữa chính trị và chuyên môn) đã tỏ thái độ “khó chịu” và phản ứng mạnh. Họ nhắm mắt, lắc đầu, chép miệng, thở dài. Không thực sự cầu thị, chưa điều tra nghiên cứu, chẳng tìm hiểu sự thật, họ chỉ biết mang đao to, búa lớn ra doạ nạt, họ là Don Quichotte cầm giáo tiến lên đâm cối xay, họ quên lý luận Cách mạng họ đã học tập. Họ là nàng công chúa quên thời kỳ gặp Thạch Sanh trong hang.
“Tích tịch tình tang…” Tiếng đàn của Thạch Sanh có nhắc lại được kỷ niệm cũ không? “Hỡi tuyệt thế giai nhân mà tôi yêu với một mối tình vô hạn, nàng còn nhớ thuở đôi ta gặp nhau trong hang đá không? Đôi ta quyết tâm sống chết có nhau, với nhau. Vì vậy ta thắng kẻ thù, ta sống. Bây giờ thời kỳ gian lao đã qua, nàng trở về dinh cơ huy hoàng, lên xe xuống ngựa. Nàng nỡ lòng nào quên tình duyên cũ?”
Tôi muốn thân ái hỏi các bạn đang chép miệng thở dài: “Các bạn là những người Cách mạng. Thái độ của các bạn phản ứng, đối phó (tôi không nói đàn áp) trước một phong trào quần chúng đông đảo, đòi hỏi, trên lập trường Cách mạng, những quyền lợi chân chính, thái độ ấy, phân tích, truy nguyên nó, ta thấy gì? Tôi run sợ trước kết luận tôi phải tiến tới. Tôi ngừng bút. Tôi nhường lời cho tất cả người cộng sản trên thế giới, trong đó có các đảng viên Đảng Lao động Việt Nam, có các bạn, để các người ấy nhận định về thái độ nói trên, định danh cho nó, gọi nó bằng tên Cách mạng của nó. Để tránh khỏi mang tiếng chụp mũ cho các bạn, tôi dành quyền phán định cho “giới có thẩm quyền”.
Tôi chỉ xin nhắc lại rằng trong lịch sử Cách mạng Liên Xô và Trung Quốc, khi giai đoạn kiến quốc tiến vào bước quyết liệt, chính thể Cách mạng không thể nào lãnh nhãn được vấn đề trí thức. Cuộc tranh đấu của trí thức Việt Nam hiện thời xen vào khung khổ Cách mạng, phối hợp với phong trào tranh đấu của trí thức trên toàn thể thế giới. Coi nhẹ nó là một sai lầm. Giải quyết nó một cách hời hợt, nông cạn, với tinh thần của người nhớn cho kẹo trẻ con để nó khỏi khóc, là một sai lầm nghiêm trọng. Đối phó với nó, chống lại nó… tôi không tiếp tục vì tôi tin rằng không một chính thể Cách mạng nào lại hành động như vậy. Bằng chứng là báo Nhân dân trong số 30-9-56 vừa đăng bài của đồng chí Lục Định Nhất đọc ngày 16-5-1956, với sự chậm trễ có 4 tháng thôi. Từ Bắc Kinh tới Hà Nội, đường dài hơn năm nghìn cây số, tốc độ của sự thật như thế là nhanh rồi. Còn báo cáo của đồng chí Chu Ân Lai in từ ngày 30-1-1956, tôi không nhớ đăng báo Nhân dân ngày nào. Dù sao, các bạn thấy rõ là Đảng Lao động Việt Nam coi trọng vấn đề, như Trung Quốc từ đầu năm nay, như Liên Xô từ năm 1936. Đảng lại còn phát động tinh thần dân chủ trong quần chúng, trong các giới, các cơ quan, và sở dĩ làm như vậy là để thắt chặt liên lạc với quần chúng, đi sát với sự thật của quần chúng, trưng cầu ý nguyện của quần chúng để xây dựng chính sách, lãnh đạo có kết quả. Vậy tại sao các bạn lại chép miệng thở dài? lại xuyên tạc ý nghĩa trọng đại, lịch sử của một phong trào quần chúng, mà chính Đảng phát động? Thế các bạn tranh đấu cho ai, phục vụ cái gì? Chủ trương của Đảng phát huy dân chủ là một sáng kiến mà toàn dân hoan nghênh. Hạt đã gieo, bây giờ sắp đến lúc gặt hái. Cớ sao mà bạn lại muốn truất quyền của Đảng gặt hái cái mùa màng mà Đảng đã gieo hạt?
Nhưng tôi hiểu các bạn. Các bạn là những người tốt. Chẳng qua các bạn chỉ nặng về một số thành kiến mà thôi. Tuy nhiên, các bạn thực sự cầu thị: các bạn cho phép tôi tin như vậy. Phải không, các bạn?
Friday, December 11, 2009
Nguyễn Mạnh Tường-Qua những sai lầm trong Cải cách Ruộng đất -
Hội nghị Mặt trận Trung ương họp để nghiên cứu các sai lầm trong Cải cách Ruộng đất và chính sách sửa chữa sai lầm ấy. Hôm nay tôi được đúc kết trước toàn thể Hội nghị các ý kiến mà trong mười ngày vừa qua tôi đã trình bày trong tổ thảo luận, với tinh thần thận trọng của người trí thức không bao giờ quên trách nhiệm của mình trước nhân dân và lịch sử nước nhà.
Tôi phấn khởi được nghe bản phê bình của Đảng Lao động do ông Trường Chinh đọc trước Hội nghị. Nhưng tôi cũng phải thú rằng lòng phấn khởi của tôi một phần bị giảm đi, vì tôi nhớ lại kết quả tai hại của các sai lầm đã phạm trong công cuộc Cải cách Ruộng đất. Tôi xin phép các vị được kính cẩn nghiêng mình trước kỷ niệm những người vô tội đã chết oan, không phải vì bàn tay của địch mà chính của ta. Trong cuộc kháng chiến anh dũng của ta, những đồng bào đã hi sinh, có thể nói được, chết với trong lòng chan chứa nỗi vui sướng vì chết cho sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi nanh vuốt của địch. Họ chết vì địch, cho ta, đó là cái chết tích cực, cái chết vẻ vang, cái chết oanh liệt mà Tổ quốc ghi nhớ muôn thuở. Trái lại, các người chết oan vì các sai lầm trong cuộc Cải cách Ruộng đất này, lúc tắt thở, cay đắng đau xót vì chết với một ô danh. Chúng ta đã xoá bỏ cái ô danh đó, nhưng con cháu của các nạn nhân tài nào mà không ngậm ngùi? Đau đớn hơn, bây giờ ta làm thế nào mà biến cái khổ cực của người tắt thở thành một niềm an ủi cho họ được? Nếu chúng ta duy tâm và tin rằng linh hồn còn tồn tại thì một phần nào ta chuộc lại được tội lỗi của ta. Nhưng ta duy vật và các người ấy lúc chết cũng là duy vật. Do đó, cái nỗi khổ cực của họ ta biết rõ rằng bây giờ ta không thể nào thủ tiêu được nữa. Quyền hạn của ta không tới đó. Nhưng cái gì ta có thể làm được, ta cần làm, để như là đền bù một phần nào sự tổn thiệt của các người ấy, và chứng minh ta thấm thía nỗi đau khổ của họ khi họ từ trần là ta cương quyết rút bài học kinh nghiệm đau đớn và sửa chữa các sai lầm nghiêm trọng mà họ là nạn nhân.
Với tinh thần của một người trong quần chúng, của một người công dân đau khổ trước bao nhiêu cái chết oan của người vô tội, tôi xin phép trình bày mấy ý kiến xây dựng. Chủ yếu tôi sẽ phê phán và truy nguyên các sai lầm trong Cải cách Ruộng đất, nhưng theo ý tôi các sai lầm này chỉ là biểu hiện điển hình và bi đát nhất của những thiếu sót trong sự lãnh đạo của Đảng Lao động. Do đó tôi xin được góp ý kiến xây dựng quan điểm lãnh đạo của Đảng Lao động.
Tại sao tôi lại tin như vậy? Là vì, không những trong Cải cách Ruộng đất chúng ta đã phạm sai lầm nghiêm trọng mà cả trong nhiều khu vực khác nữa. Trong các khu vực này, sai lầm cũng đã đưa một số người trong quần chúng đến cái chết thê thảm. Do đó, nếu chỉ cục bộ hóa các sai lầm, chúng ta không thể rút được bài học kinh nghiệm, chúng ta sẽ khiếm khuyết với sự tín nhiệm của tất cả các đảng viên Đảng Lao động, với sự mong đợi của toàn dân. Chúng ta phải kiên quyết không cho các sai lầm ấy tái diễn và tác hại nữa. Đó là nhiệm vụ tối thiểu của chúng ta đối với các người đã chết oan.
Tình hình nước ta hiện thời ra sao? Tình hình ấy có bi quan không? Đó là vấn đề nhận định thôi. Nhưng cái chủ yếu là ta không nhìn tình hình ây với con mắt bi quan. Vậy sự thật khách quan như thế nào? Nhìn vào nông thôn, ta thấy hiện thời tình trạng thiếu đoàn kết rất phổ biến. Vì thi hành sai chính sách cải cách, ta đối lập các từng lớp trong giai cấp nông dân, cán bộ cũ và mới, chi bộ cũ và mới của Đảng. Trong khi đập tan giai cấp địa chủ, ta không phân biệt đối xử, ta để cho chết chóc thê thảm những người hoặc già cả hoặc thơ ấu mà ta không chủ trương tiêu diệt. Ta chỉ cần đọc lại các bài giáo huấn cho đồng bào nông thôn trong báo Nhân Dân là ta đủ hiểu mặt mũi nông thôn hiện giờ ra sao. Nhìn vào các công xưởng, công trường, ta thấy gì? Cứ đọc báo Nhân Dân thôi, ta thấy Chính phủ gửi các phái đoàn đi thăm các anh chị em công nhân, ủy lạo họ, bắt buộc thi hành quy chế lao động mà Chính phủ đã ban ra. Nghĩa là thế nào? Nghĩa là giai cấp công nhân đã phải lao động sản xuất hai năm nay mà không được bồi dưỡng đúng mức. Lắng nghe dư luận đồng bào Hà Nội thôi, ta được biết rằng có it ra một doanh nghiệp quốc gia lãng phí bao nhiêu triệu trong khi dưới chế độ Pháp thuộc, cũng doanh nghiệp ấy mang lại cho thực dân đế quốc các số lãi khổng lồ.
Về Mậu dịch nửa năm nay, đồng bào ca thán như thế nào, ta đã biết. Nào chèn ép các nhà kinh doanh tư nhân, nào lãng phí bao nghìn triệu trong khi thực hiện chính sách, nào tàn nhẫn với các người bán sức lao động cho mình, nào đưa ra thị trường sữa hư mà không bao giờ nghĩ đến tính mệnh của người ốm, của trẻ sơ sinh, nào tung ra bơ hỏng, thuốc lá mốc, phạm đến sức khỏe của nhân dân, nào bất lực trước hiện tượng vật giá ngày càng lên trong khi nhiệm vụ của mình là phải bình ổn nó. Có thể nói được, suốt ngày đêm không đâu là không có lời oán trách Mậu dịch.
Về hộ khẩu thì cán bộ tỏ vẻ không phải là nhằm duy trì trật tự an ninh, phá vỡ cơ sở của địch, trái lại quấy nhiễu nhân dân, tạo ra một đời sống thành thị điêu đứng cho tất cả. Nếu các vị cần những dẫn chứng cụ thể, tôi chỉ xin nhắc lại hồ sơ mênh mông, thu lượm các thắc mắc cay đắng của đồng bào Thủ đô trong Đại hội lần thứ ba của nhân dân Hà Nội vừa họp cách đây hai tháng.
Nói về chính sách khôi phục kinh tế, ta thấy gì? Số vốn mà các nhà công thương mang ra kinh doanh chỉ là một phần ti tiểu, số công nhân làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân không có nghĩa lý gì. Trái lại ta thấy tất cả một phong trào các nhà tư bản thu hẹp hoạt động của họ, hoặc “chuyển hướng” bằng cách đâm ra quay chỉ, bán nước mía, hay dệt vài thước vải vớ vẩn, hoặc đóng cửa ăn vào vốn để khỏi đụng chạm đến Sở Lao động vì vấn đề công nhân, với Sở Công thương vì vấn đề đăng ký và nguyên liệu sản xuất, với Sở Tài chính vì thuế khoá đặc biệt. Thuế bổ sung đã đưa bao nhiêu người đến chỗ phá sản, có kẻ đến chỗ tự sát. Các người tiểu thương buôn thúng bán mẹt, đẩy chiếc xe hàng tiều tụy trong phố, cũng “được” nộp thuế, cũng như các người suốt ngày làm việc ở công sở hay công xưởng, tối về thức đêm dệt vài thước kiếm thêm tiền độ thân. Hàng trăm, hàng nghìn công chức cũ về hưu, với gia đình của họ, trước đây sống bằng lương hưu trí, hai năm nay không được ai chiếu cố đến, chết dần chết mòn, có người đâm đầu xuống sông tự tử, có người hai lần uống độc dược để quyên sinh.
Còn như các cán bộ thì ta có cần nói đến không? Ta cứ trông mặt mũi, quần áo họ, ta chỉ cần hỏi con số những người qua các phòng khám bệnh, các bệnh viện, ta liếc mắt nhìn họ ăn uống những gì trong bữa cơm, là ta đủ hiểu khổ cực của họ.
Ta quên thế nào được các đồng bào tập kết ra ngoài Bắc, số phận con cái họ ở Hà Nội, Hải Phòng, số phận chính của họ bi đát quá nỗi! Khổ cực nhất cho các anh chị em là không nương tưa đuợc vào một đời sống gia đình đề khuây khỏa trong lúc thảm sầu.
Các hiện tượng trên đây có đúng không, tôi chỉ yêu cầu các vị đọc báo Nhân Dân, nghiên cứu các hồ sơ chồng chất lên ở Mặt trận Thành Hà Nội sau Đại hội lần thứ 3 vừa rồi, nghe ngóng lời than phiền của quần chúng, nhìn nhận các quang cảnh diễn ra dưới mắt của các vị là các vị đủ hiểu rồi. Quả thực như ông Trường Chinh đã tuyên bố, uy tín của chính phủ, của Đảng bị tổn thiệt rất nhiều. Thế tại sao đồng bào chúng ta lại khổ cực? Phải chăng vì cán bộ của chúng ta non, hẹp hòi, chưa thấm nhuần lý luận cách mạng, không tôn trọng giá trị của con người, các nhu cầu và đòi hỏi chính đáng của nó? Phải chăng vì ta đang mắc trầm trọng bệnh ấu trĩ của cách mạng? Các điều đó là có, ta không hề chối và ta cũng không thể chối cãi được. Nhưng nhận định như vậy vẫn còn hời hợt. Ta phải đi sâu hơn nữa. Khi trong Cải cách Ruộng đất của ta, ta thấy bao nhiêu người bị tù tội, bị giết oan, trong đó bao nhiêu người dân ưu tú đã từng góp phần không nhỏ vào sự nghiệp cách mạng, khi hiện thời ở nông thôn vẫn có người bị đánh đập, ngược đãi, khi ta không xây dựng được đoàn kết giữa các đồng bào, thì ta phải nhận định rằng các sai lầm ta đã mắc trong cuộc Cải cách Ruộng đất này chỉ là những biểu hiệu cực độ của các sai lầm ta đã phạm, và các sai lầm ấy nêu lên, như tôi trình bày trên đây, một vấn đề cực kỳ quan trọng là vấn đề lãnh đạo của Đảng Lao động.
Do đó, tôi yêu cầu các vị cho phép tôi bắt đầu nghiên cứu các sai lầm trong Cải cách đã rồi sau khi truy nguyên các sai lầm ấy, đề đạt mấy ý kiến về vấn đề lãnh đạo.
I. Vấn đề pháp lý trong Cải cách Ruộng đất
Ta đã sai lầm nghiêm trọng trong Cải cách Ruộng đất, ta có thể tránh được sai lầm ấy mà vẫn bảo đảm được đường lối căn bản của cách mạng không? Tôi giả nhời cương quyết rằng có.
Đường lối cách mạng của ta đòi hỏi gì? Ruộng phải trở về người cày. Điều này rất đúng không ai có thể chối cãi được. Nông dân là đại đa số trong nhân dân, nông dân là quân đội chủ lực của cách mạng, nhất định cách mạng không thể nào thành công được nếu ta không thỏa mãn nhu cầu thiết yếu và cấp bách của nông dân. Không cần phải là một nhà chính trị cao, một nhà cách mạng thạo, cũng nhận thấy điều ấy. Chỉ cần nhìn lịch sử cách mạng từ thời kỳ cổ đại đến giờ là đủ hiểu rồi.
Như vậy về nguyên tắc, ta tán thành chủ trương Cải cách Ruộng đất.
Về phương pháp, ta có nên ban ơn cho nông dân không? Nhất định là không. Nông dân ta trong bao nghìn năm đã khổ cực dưới chế độ bóc lột phong kiến và một trăm năm nay dưới chế độ bóc lột thực dân. Đồng bào nông thôn ta lầm than như vậy, đã mất hết khí thế con người. Ta cần khôi phục khí thế của người nông dân, xây dựng cho họ tinh thần chủ nhân ông trên đất nước. Do đó ta thấy cần thiết phải phát động tư tưởng của họ để họ nhận được phân minh kẻ thù của họ, để họ vùng giậy nắm lấy quyền thế ở nông thôn.
Nhưng từ đây trở đi, ta thấy khởi phát các sai lầm. Sai lầm này, ông Trường Chinh đã nhận thấy là ở chỗ: ta quên hẳn ta hiện thời nắm chính quyền và chính quyền ấy, nếu ta biết sử dụng nó, khai thác nó một cách sáng suốt, nhất định ta vẫn thành công nhưng ta tránh được bao tai họa làm ta đau khổ hiện thời.
Con đường ông Trường Chinh đã đi để tiến tới kết luận ấy là con đường chính trị. Các anh em tôi là những nhà luật học, chỉ là nhà chuyên môn và lý luận trên cơ sở chuyên môn thôi, đã trông thấy kết luận ấy ngay từ khi chính sách phát động và Cải cách được đề ra. Tại sao? Vì giải pháp chính quyền cụ thể là giải pháp pháp lý, đảm bảo thắng lợi hoàn toàn của cách mạng nếu ta biết mang nó ra phục vụ chính trị và cách mạng.
Ta muốn gì? Tìm kẻ thù của nông dân, của cách mạng để tiêu diệt nó. Nhưng đồng thời nếu ta biết lo xa, nhìn xa, ta cũng không quên rằng công lý của cách mạng, muốn bảo toàn được uy tín và thắng lợi của cách mạng, phải biết đánh đúng địch. Khi đưa ra khẩu hiệu “thà chết 10 người oan còn hơn để sót một địch” thì khẩu hiệu này không những quá tả một cách vô lý mà phản lại cách mạng là đằng khác nữa. Muốn chứng minh điều này ta chỉ cần nhìn thực tế: kết quả sai lầm ta đã phạm khi thực hiện khẩu hiệu này rất tổn thiệt cho uy tín của cách mạng và cho bản thân bao nhiêu chiến sĩ cách mạng. Nếu không phải đó là phản lại cách mạng thì là gì?
Khẩu hiệu của pháp lý thì khác hẳn: “Thà 10 địch sót còn hơn một người bị kết án oan”. Thế ta có lo ngại rằng 10 địch sót không? Không, vì ta nắm chính quyền, vì cách mạng ta đã thành công. Như vậy kẻ thù của cách mạng chẳng sớm thì chậm, nhất định hoặc cải thiện, giác ngộ, hoặc lọt vào lưới của ta. Khẩu hiệu này lợi ở chỗ: không một người oan nào bị kết án. Do đó, không có các kết quả cực kỳ tai hại diễn ra hiện thời.
Làm thế nào thực hiện được khẩu hiệu ấy? Kinh nghiệm pháp lý của hàng nghìn năm lịch sử thế giới cho ta biết rằng ta có phương pháp để tìm đúng địch mà đánh, không đánh tràn lan, không đánh người vô tội. Tôi xin phép nhắc tóm tắt sau đây các nguyên tắc căn bản mà pháp lý nêu lên để đạt mục đích ấy.
Một nguyên tắc đầu tiên là không hình phạt các tội đã phạm quá lâu rồi mà bây giờ mới khám phá ra. Tại sao? Vì rằng vấn đề bằng chứng khó giải quyết được, tang vật đã mất, nhân chứng có người đã từ trần, có người không nhớ rõ các sự việc họ đã mục kích. Hơn nữa, sở dĩ hình luật phạt các tội, là vì các tội ấy đã xâm phạm vào trật tự xã hội: tác hại cho nạn nhân và gây tác dụng xấu trong quần chúng. Nhưng khi tội đã phạm quá lâu, trật tự xã hội hết bị xâm phạm rồi, nạn nhân không còn đau khổ, tác dụng xấu của tội cũng hết, thời gian đã hàn gắn các vết thương. Bây giờ lại vạch chuyện cũ thì không những khó thu thập được bằng chứng kết tội mà lại gây một sự náo động trong xã hội không cần thiết. Chính xã hội thấy “quên” lợi hơn là “nhớ”.
Một nguyên tắc thứ hai là trách nhiệm của phạm nhân thì chỉ một mình phạm nhân phải chịu, không có trách nhiệm chung của vợ con, của gia đình. Nêu trách nhiệm truớc hình luật của các người “có quan hệ” với phạm nhân không những là bất công mà lại còn gây các sự rung động vô ích trong xã hội. Hơn 400 năm nay không một nước Tây phương nào làm việc đó nữa. Trách nhiệm trước hình luật chỉ là một trách nhiệm cá nhân mà thôi. Không những thế, về phương diện nhân đạo, thì các phạm nhân quá già được miễn nghị, miễn tố và các vị thành niên được chiếu cố.
Môt nguyên tắc thứ ba là muốn kết án một người phải có bằng chứng xác đáng. Phải có nhân chứng là những kẻ đã mục kích sự phạm pháp và cung khai một cách cụ thể, rõ ràng, chắc chắn. Một nhân chứng thôi chưa đủ, ít ra cũng phải có hai nhân chứng cung khai phù hợp với nhau mới được coi là đáng kể. Cung khai của các nhân chứng phải ăn khớp với nhau và trong quá trình phạm pháp các tang vật thu được phải có tác dụng hợp lý, sát hợp với kết quả do cuộc điêù tra mang lại.
Một nguyên tắc thứ tư là thủ tục điều tra, xét xử phải bảo đảm quyền lợi của bị tố nhân. Bị tố nhân có quyền nhờ luật sư bào chữa cho mình, và khi thiếu điều kiện nhờ luật sư, khi nào là một trọng tội, Tòa phải cử luật sư bào chữa không, cho bị can. Trong tất cả, giai đoạn điều tra ở trình độ công an thẩm vấn trong phòng dự thẩm, buộc tội trước tòa, quyền lợi của công tố viện ngang với quyền lợi bị can, nghĩa là nếu công tố viện đưa hết lý lẽ để buộc tội, bị can đưa hết lý lẽ để minh oan. Cuộc đấu lý diễn ra trong tất cả quá trình điều tra, truy tố, xét xử giữa công tố viện và luật sư. Các vị thẩm phán ngồi xét xử phải là vô tư, đứng giữa để theo rõi cuộc đấu lý diễn ra dưới mắt mình. Như thế mới nhận định đúng và xử công minh. Toà án xét xử không chịu lệnh của ai trong khi xét xử, chỉ biết xét xử theo lương tâm của mình và căn cứ vào tài liệu trong hồ sơ, sau khi nghe hai tiếng chuông buộc tội và gỡ tội. Người thẩm phán phải được đủ đảm bảo để làm nhiệm vụ của mình mà không sợ ai khiển trách hay gây khó khăn cho mình được. Khi điều tra thẩm vấn, tuyệt đối cấm không được dùng phương pháp tra khảo, đánh đập, hành hạ bị can, mớm cung cho bị can, dọa nạt hay dụ dỗ hắn. Khi nào có điều nghi ngờ thì bị can được miễn nghị. Nếu bị kết án thì còn quyền chống án lên tòa trên. Nếu bị kết án tử hình thì lại còn quyền xin ân giảm trước vị Chủ tịch Chính phủ. Con người của bị can, trong tất cả quá trình truy tố và xét xử phải được tôn trọng triệt để, khi bị can ra trước tòa thì không được xiềng xích họ và không lúc nào được dùng nhục hình đối xử với họ.
Theo một nguyên tắc căn bản, không phải vì một người tác hại cho một người khác mà người ấy phải chịu trách nhiệm trước hình luật. Tác hại cho ai thì chỉ nêu trách nhiệm về phương diện dân sự, nghĩa là bồi thường thôi — của người đã tác hại. Muốn truy tố người ấy để thi hành hình luật đối với hắn thì phải chứng minh rằng hắn phạm một tội, nghĩa là phạm vào một điều khoản nào qui định trong hình luật, và hình luật không bao giờ có tác dụng đối với quá khứ cả: nếu hành động của một người diễn ra trong thời kỳ mà hình luật chưa quan niệm là một tội thì người ấy không thể mang ra truy tố được. Không những bị can phải phạm một tội đã qui định rồi trong pháp luật, mà ta lại còn phải xét xem rằng lúc phạm tội ấy bị can có ý thức, có ý chí phạm pháp hay không, hay là vô tình mà phạm pháp. Sự đối xử trong hai trường hợp ấy khác nhau.
Lúc tôi nhắc lại các nguyên tắc này thì có vị cho rằng như thế là phiền phức, phức tạp. Dĩ nhiên rồi, nhưng tất cả vấn đề là: ta có muốn giết người vô tội không? Nếu không thì không thể nào làm khác được. Hơn nữa, muốn nhận định vấn đề cho đúng, ta không nên đứng vào vị trí một người hiện thời không dây dưa với pháp luật, một người ở một cương vị chính quyền. Ta phải đứng vào cương vị của bị tố nhân; lúc ấy vấn đề rất sáng tỏ, không những ta đòi thi hành các nguyên tắc pháp luật, ta còn cố gắng tìm hiểu thêm các nguyên tắc mới để đảm bảo người oan khỏi bị chết.
Nếu mang ra áp dụng các nguyên tắc ấy vào cuộc Cải cách ruộng đất của ta, ta sẽ làm thế nào? Thủ tục cải cách cứ diễn bài nhưng sự trừng trị bọn cường hào gian ác hay phản động, ta sẽ không giao cho một tòa án nhân dân, đặc biệt như ta đã làm với tất cả sự thiếu sót về phương diện pháp lý mà ta đã biết. Trái lại, sau khi phát động tư tưởng của nông dân, ta sẽ nghe lời họ tố cáo kẻ thù của họ. Ta sẽ ủy nhiệm toà án nhân dân thường lập các hồ sơ, để tòa án, với bộ máy và kinh nghiệm của nó, tiếp tục điều tra, kiểm tra, lấy cung chứng, truy tố, luận tội, xét xử. Ta đảm bảo triệt để cho bị tố nhân quyền bào chữa của họ, ta yêu cầu các luật sư làm tròn nhiệm vụ của họ, ta tôn trọng triệt để con người của bị tố nhân. Ta chỉ thù ghét và kết án, trừng phạt tội của nó đã phạm thôi. Ta tin tưởng ở tòa án, ta đảm bảo cho các vị thẩm phán làm việc ngoài sự điều khiển của chính quyền, một cách biệt lập, tôi nói biệt lập chứ không phải độc lập, theo lương tâm của các vị và căn cứ vào hồ sơ và kết quả của cuộc thẩm vấn.
Theo như tôi nhận định, với chủ quan của tôi, các nguyên nhân sai lầm thuộc hai loại, có loại trực tiếp, nhưng nếu ta phân tích loại này thì ta sẽ đi tới một loại thứ hai mà theo tôi là những nguyên nhân chính, ta cần chú ý.
Các nguyên nhân trực tiếp ta trông thấy ngay. Sở dĩ khi nghiên cứu chính sách cải cách, ta không nghĩ đến giải pháp pháp lý đưa ra để điều hòa với giải pháp chính trị, phải chăng là vì ta không biết giải pháp pháp lý? Nếu không thì là sự thiếu sót nghiêm trọng của cấp lãnh đạo. Nhưng tôi tin rằng không phải như thế đâu. Sở dĩ ta không để ý đến giải pháp pháp lý là vì ba lý do:
- Quan điểm ta-địch, thù-bạn của ta rất mơ hồ
- Ta bất chấp pháp luật, lấy chính trị lấn át pháp lý
- Ta bất chấp chuyên môn
Quan điểm bạn-thù, ta-địch mơ hồ — Các hiện tượng trên trường quốc tế và trong nước rất nhiều và rõ rệt.
Trên trường quốc tế, trong các nước dân chủ của ta thôi, ta thấy những điều làm ta suy nghĩ. Ta thấy chẳng hạn những người suốt đời hi sinh cho sự nghiệp cách mạng, giữ những trọng trách trong chính thể cách mạng, rồi bỗng nhiên phải truất quyền, khai trừ ra khỏi Đảng, tống giam, thậm chí có khi bị giết nữa. Rồi ít lâu sau, ta lại thấy các người ấy được khôi phục công quyền, đảng tịch, cương vị, người nào bị kết án tử hình rồi thì được an táng lại ở các đài kỷ niệm các liệt sĩ mà Tổ quốc ghi tên muôn đời.
Trong nước ta, qua cuộc Cải cách Ruộng đất ta thấy bao nhiêu các chiến sĩ cách mạng thành tích lộng lẫy, có người ngực gắn tới hai huy chương kháng chiến (ở ngoại thành Hà Nội) bị kết án là phản động, cường hào gian ác và, sau khi nhận tội, bị tống giam hay bị hành hình. Ấy là không nói đến các người trong quần chúng bị hi sinh oan. Đối với các nạn nhân này, ta có thể một phần nào hiểu các sai lầm đã phạm, vì họ thiếu hay không có thành tích cách mạng hay kháng chiến. Nhưng đối với các đảng viên ưu tú, tinh hoa của dân tộc, lúc bị xử trí như ta đã biết, thì ta tự hỏi trong đầu óc của những người xử họ có cái gì mà ta gọi là lý tính không? Ngay một thường dân, không phải là một nhà chính trị hay văn hóa, chỉ sử dụng cái lẽ phải của mình thôi, cũng không thể nào hỗn hợp người xấu với kẻ tốt như vậy được. Ta phải đặt vấn đề rằng cán bộ từ trên xuống dưới, tham gia Cải cách Ruộng đất, không phải là người điên cuồng, cũng không phải là người chủ mưu, dụng tâm phá hoại. Nếu như thế thì ta sẽ gửi họ đến bác sĩ chuyên môn chữa bệnh thần kinh, hay đến công tố viện của các tòa án. Nhưng không phải như thế, ta tin như vậy. Do đó, kết luận mà ta tiến tới, dù muốn hay không, là các các cán bộ ấy có một quan điểm rất mơ hồ về ta-thù, bạn-địch.
Còn gì đau đớn hơn là câu ta được nghe “ta đánh cả ta nữa”. Nếu như vậy thì ta cần phải nhận rằng ta không phân biệt được bạn và thù. Ta đọc lại các bài gần đây đăng trong báo Nhân Dân của các đồng chí bị xử trí oan, hoặc các đồng chín ấy nói, hoặc không nói, nhưng ta đều hiểu các đồng chí ấy nghi ngờ những người kết án các đồng chí, không phân biệt được bạn và thù. Vì vậy nên đánh cả bạn, giết cả bạn.
Tôi thấy đây là một điều cực kỳ quan trọng. Nguyên do ở đâu? Phải chăng ở một tinh thần cảnh giác quá cao đến nỗi mù quáng, ở một tả khuynh mà ta thường mắc trong giai đoạn ấu trĩ của cách mạng? Đây không phải là nơi và lúc mà ta cần phân tích sâu sắc điều ấy. Chủ yếu là ta nhận thấy rằng một nguyên nhân sai lầm là ở trong quan điểm thù bạn rất mơ hồ. Nếu ta không kịp sửa chữa sai lầm, xây dựng lại quan điểm thù bạn, một ngày kia ta sẽ lại phải khóc trên kỷ niệm của những vị có công nhất với cách mạng, với nhân dân. Ta cương quyết không thể nào để tình trạng ấy tái diễn ra được.
Bất chấp pháp luật — Giáo sư Ba Lan Mahelli nói chuyện ở Bộ Tư pháp, cho ta biết rằng bên Ba Lan, khi cách mạng thành công, các nhà chính trị bất chấp pháp luật. Họ quan niệm rằng họ đủ tài năng để đảm nhận các cương vị lãnh đạo trong ngành tư pháp, để bó buộc tư pháp phục vụ triệt để chính trị mà không đếm xỉa đến các nguyên tắc căn bản của pháp lý. Kết quả là chẳng bao lâu bộ máy tư pháp sộc sệch, không những không củng cố được chính thể cách mạng, ngược lại, tác hại quá nhiều gây bao nhiêu khó khăn cho chính quyền cách mạng. Sai lầm ấy đuợc uốn nắn kịp thời: hoàn cảnh khách quan đã dạy một bài học cho chủ quan các nhà chính trị, để lãnh đạo chuyên môn phải nhập trường học tập, trước non 2 năm, sau 5 năm, để qua pháp lý, phục vụ chính trị và cách mạng.
Điều này không làm chúng ta ngạc nhiên. Trong giai đoạn đầu tiên, chính trị say sưa với các thắng lợi đã thu —và dĩ nhiên các thắng lợi ấy vĩ đại— lâm vào tình trạng tự mãn và bao biện.
Nhưng quản trị một nước, đặc biệt một nước đang xây dựng chính quyền cách mạng, nghĩa là một cái gì vô cùng mới mẻ và khó khăn — không giống như là đề ra đường lối và khẩu hiệu tranh đấu cách mạng và vận động quần chúng làm cách mạng. Hai khu vực hoạt động ấy tuy quan hệ mật thiết với nhau, nhưng mỗi ngành hoạt động có kỹ thuật và quy luật của nó. Lúc nhà chính trị bao biện, bất chấp hoàn cảnh khách quan kinh nghiệm xương máu của lịch sử, thì chẳng sớm thì muộn ta thấy diễn ra những tai hại hiện thời làm chúng ta đau xót. Trên con đường bao biện và tự mãn ấy, các nhà chính trị đã bị thúc đẩy bởi những thành kiến đối với pháp lý và tin rằng pháp lý là cái gậy chỉ dùng để chọc bánh xe, không hiểu rằng, trái lại, chính pháp lý giúp xe khỏi lật, khỏi gây tai nạn. Nguy hại hơn là chính trị tự đặt mình lên trên pháp luật. Ngay trong trường hợp chính trị sau khi đặt mình lên trên pháp luật, còn giữ vững thái độ chân chính, cũng đã gây ra bao khó khăn rồi. Pháp luật chủ yếu đề ra những cái gì có thể làm được, cái gì không được phép làm, do đó nhân dân vững tâm biết rõ đường mà đi. Nhưng tâm hồn quần chúng chỉ được ổn định khi nào quần chúng biết rõ rằng cái gì bó buộc mình cũng đồng thời bó buộc nhà cầm quyền. Trái lại, khi pháp luật chỉ gò bó quần chúng mà không gò bó nhà cầm quyền thì nhà cầm quyền mỗi lúc có thể vẽ ra các đường mới mà quần chúng chưa từng biết. Vì vậy quần chúng hoang mang: cái gì hôm qua làm được, ngày mai với sự độc đoán của nhà cầm quyền có thể bị coi là phi pháp. Hoang mang ấy lên tới cực độ khi tác dụng của sự thay đổi thái độ này của nhà cầm quyền không những ảnh hưởng đến tương lai, mà là ảnh hưởng cả về quá khứ nữa. Đó là trường hợp nhà cầm quyền, lúc tự đặt mình lên trên pháp luật, giữ thái độ chân chính đúng mực, huống hồ là khi nhà cầm quyền sử dụng quyền thế của mình một cách lộng quyền, như ông Trường Chinh đã nhận định. Quyền xử tử người một cách đơn giản như vậy trái với luật pháp: đó chỉ là một giải pháp chính trị mà thôi. Nếu mà các người sử dụng quyền ấy lại không sử dụng với tinh thần chính sách của lãnh đạo, sử dụng một cách lộng quyền thì kết quả thế nào, hiện thời ta đã trông thấy rõ.
Bất chấp chuyên môn — Các nhà chính trị bất chấp pháp luật. Nhưng nếu các vị ấy tranh thủ ý kiến của các nhà chuyên môn và cho phép các nhà chuyên môn đề đạt ý kiến thì các nhà chuyên môn cũng sẽ yêu cầu các nhà chính trị nên chú ý đến pháp luật, và dùng pháp luật phục vụ cách mạng.
Nhưng tiếc thay, trong 10 năm vừa qua, ta thấy một tình trạng quái gở. Chính trị ám ảnh đầu óc chúng ta đến nỗi hai chữ “lập trường” làm ta mất ăn mất ngủ. Nếu được dùng một hình ảnh “duy tâm”, tôi ví lập trường như cái oan hồn ngày đêm theo đuổi kẻ nào đã hãm hại người chủ của nó. Có một điều lạ, là các anh em công nông, các vị lãnh tụ không bao giờ nói đến lập trường trong sinh hoạt hàng ngày. Trái lại, các cán bộ và đảng viên tiểu tư sản không lo ngại gì bằng sự mất lập trường. Vì vậy, để nhớ đến nó, mở miệng ra là nêu lập trường rồi. Đó là tinh thần tự ti của một giai cấp mất khí thế, quên rằng mình đứng trong hàng ngũ cách mạng. Dù sao, ở Việt Nam chúng ta cũng đã xẩy ra những sự việc như sau đây, ta cần ghi nhớ để con cháu ta cười muôn thuở: khi chọn một người vặn lái ô tô, ta không hỏi người ấy có bằng vặn lái và đã vặn lái bao năm, ta chỉ hỏi: “Có lập trường không?” Kết quả là từ hai năm nay, riêng trong thủ đô Hà Nội, hàng trăm tai nạn xảy ra do các người vặn lái ô tô có lập trường mà không nắm chuyên môn. Khi đưa tới bệnh viện một bệnh nhân cấp cứu, vấn đề mang ra thảo luận trước tiên là: Bệnh nhân thuộc thành phần giai cấp nào? Chữa cho địa chủ thì “mất lập trường”. Để nó chết mới chứng minh mình có “lập trường giai cấp” (hiện tượng do B.S. Nguyễn Xuân Nguyên đưa ra).
Tại sao có những hiện tượng quái gở như vậy? Là vì chính trị chiếm đóng tất cả các khu vực trong nhận thức của chúng ta làm chúng ta mất cả cái nhân đạo tối thiểu của con người, làm chúng ta khước từ các chân lý. Chân lý cho biết rằng chính trị không thể nào thay thế được cho chuyên môn, không làm được việc của chuyên môn. Nếu như vậy thì ít ra chính trị cũng hỏi ý của chuyên môn mới là phải. Nhưng không. Chính trị nghi ngờ chuyên môn, không tin ở chuyên môn. Lúc thì cho rằng chuyên môn là do văn hoá và khoa học tư sản đế quốc xây dựng, là vô dụng (đó là một sai lầm nghiêm trọng các người tin như vậy chưa đọc Lenin). Lúc thì cho rằng các nhà chuyên môn không phải xuất hiện ở tầng lớp cơ bản, công hay nông, thì không có đảm bảo vì thái độ lừng chừng, lập trường lỏng lẻo, dù là 10 năm nay họ đã bước chân vào đường cách mạng và chứng minh nhiệt tình của mình đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, kiến thiết quốc gia.
Theo ý tôi, đây là một vấn đề then chốt. Các anh em trí thức kháng chiến thường phàn nàn rằng Đảng Lao động thiếu tín nhiệm họ. Họ đau khổ mà nhận thấy rằng mặc dầu họ đã trải qua bao nhiêu thử thách, chịu đựng bao nhiêu hi sinh, trải qua bao nhiêu gian nguy, Đảng vẫn chưa tin ở họ. Nào họ có yêu sách gì quá đáng đâu? Họ có đòi làm Bộ trưởng hay Đại sứ đâu? Không. Đại đa số các anh em trí thức nói chung, không mơ ước các cương vị, công tác lộng lẫy đâu, họ vui lòng nhường chỗ cho các nhà chính trị, các đảng viên. Họ chỉ thiết tha đòi hỏi được mang khả năng chuyên môn và kinh nghiệm của họ ra phục vụ nhân dân mà thôi. Họ chỉ thiết tha mong muốn được bảo toàn danh dự trí thức của họ và cái tự do tư tưởng mà họ quan niệm là cần thiết cho nhân phẩm của người trí thức mà thôi. Họ đã từng nghe thấy Đảng tuyên bố: Người trí thức là vốn quí của dân tộc. Nhưng họ cảm thấy vốn ấy quí quá đến nỗi phải cất nó đi thật kỹ, giữ gìn nó trong một bán ảnh, một hoàng hôn trường cửu. Nếu có ai cho rằng tôi nói không đúng, tôi cứ đề nghị người ấy quay mặt nhìn chung quanh, ở các cương vị công tác trong chính thể của ta. Có một chỗ nào mà người trí thức ngoài Đảng nắm được thực quyền không? Tác dụng “hiếu hỉ” hay “cười gật” thì có, mà lại có nhiều. Nhưng ngay ở các cương vị ấy, ngoài vai trò hiếu hỉ, cười gật, người trí thức có một trách nhiệm gì không, có quyền nói gì làm gì không, quần chúng đã biết và miễn tôi giả nhời.
Chính trị chèn ép chuyên môn như thế nào, xua đuổi người trí thức ra ngoài con đường cách mạng ra sao, lịch sử kháng chiến đã cho ta kinh nghiệm đau đớn. Năm 1949, phong trào tư pháp liên khu III tan vỡ vì chính quyền quan niệm tư pháp phải thuộc sự điều khiển của mình. Năm 1951, phong trào quân y, dân y liên khu IV sụp đổ vì các chính trị viên đưa vào các bệnh viện đã đàn áp chuyên môn, thúc đẩy các bác sĩ có công với cách mạng, với kháng chiến, phải gạt nước mắt mà rời bỏ kháng chiến. Đó không phải là chủ trương của Đảng Lao Động. Nhưng có một điều làm ta suy nghĩ: sao mãi bây giờ sau 10 năm Đảng mới nghiên cứu một chính sách cho trí thức? Điều ấy chứng tỏ rằng từ khi cách mạng thành công, ta chưa đánh đúng giá người trí thức, chưa đặt vấn đề trí thức. Do đó, làm thế nào khai thác được tất cả khả năng của người trí thức để họ mang chuyên môn ra phục vụ nhân dân?
Trên đây, tôi nói về người trí thức từ chiến khu trở về. Đối với người trí thức vẫn ở trong Thủ đô, ta thấy sự thiếu tín nhiệm ấy lại còn trầm trọng hơn nữa. Bao lần ta nghe tiếng chua cay của các anh em ấy phàn nàn bị coi như là kẻ thù, mặc dầu các anh em vì yêu nước đã khắc phục mọi lo sợ do tuyên truyền của địch gây ra và ở lại với chúng ta. Ta để cho cán bộ hộ khẩu xâm phạm đến danh dự của các anh em, ta không tìm cách nào sửa chữa sai lầm ta đã phạm đối với anh em. Ở các công sở tình trạng chèn ép của chính trị đối với chuyên môn đã đưa đến cái danh từ bi đát làm cho ta đau lòng: “họ Lưu, họ Kháng”. Không đoàn kết được các anh em, ta lại còn có thái độ úp mở, nhùng nhằng (ta tưởng như vậy là thượng sách), thậm chí ta lại còn nghi ngờ các anh em. Ta không hiểu rằng làm như vậy, ta bất công với các anh em, ta không tôn trọng lời đã hứa qua chính sách tiếp quản và cương lĩnh Mặt Trận, ta đẩy các anh em xa rời ta, ta vô tình ném xuống bể tiêu cực cái vốn chuyên môn của các anh em trí thức trong Thủ đô.
Đó là những nguyên nhân trực tiếp. Đào sâu hơn nữa, ta thấy rằng sở dĩ có những hiện tượng như ta vừa phân tách trên đây, chẳng qua chỉ vì sự lãnh đạo của ta thiếu dân chủ, xa lìa quần chúng.
Chính thể ta thiếu dân chủ như thế nào, ta đã từng biết. Vai trò của các vị Bộ và Thứ trưởng ngoài Đảng như thế nào, các vị đó làm được những gì trong Hội đồng chính phủ, trong các ngành chuyên môn mà các vị ấy phụ trách, ta không nên đi quá sâu. Ta chỉ cần liếc mắt nhìn qua công việc làm trong mỗi Bộ, ta chỉ cần nghe tiếng than phiền của các cán bộ, công chức làm việc trong các Bộ là ta hiểu. Ta cũng biết rằng chủ trương của Đảng có lẽ không phải như vậy đâu, nhưng trong thực tế công tác, mỗi anh em ta tiếp xúc với các vị Bộ hay Thứ trưởng ngoài Đảng, đều nhận thấy rằng quyền hành của các vị ấy hình như không phải là quan trọng cho lắm. Nhận định như vậy có lẽ ta lầm đấy. Nhất định ta lầm. Nhưng dù sao có “dư luận” không ai chối cãi được. Do đó, nếu chủ trương của Đảng không phải như vậy thì ít ra Đảng cũng mang trách nhiệm không làm thế nào để tiêu tan cái dư luận tai hại mà chúng ta thấy tồn tại từ thời kỳ kháng chiến đến giờ. Nhưng cũng có điều chắc chắn không ai chối cãi được, là các vị Bộ hay Thứ trưởng không có trách nhiệm gì trước Quốc hội, trước nhân dân, chỉ có trách nhiệm trước Chính phủ mà thôi. Chưa bao giờ ta thấy vị Bộ truởng nào bị lật đổ cả. Phải đợi đến các sai lầm đặc biệt nghiêm trọng trong Cải cách mới thấy hai vị Thứ trưởng phải rút lui khỏi Hội đồng Chính phủ. Các hiện tượng ấy chứng tỏ rằng Chính phủ ta chưa thực hiện được dân chủtrong khi lập Hội đồng Chính phủ, vì các vị Bộ hay Thứ trưởng đều được cử hay bị truất, ngoài sự tham gia trực tiếp hay gián tiếp (qua Quốc hội) của quần chúng.
Tình trạng của Quốc hội lại rõ hơn nữa. Mười năm Quốc hội đã thành lập. Các vị đại biểu Quốc hội còn phản ảnh được ý nguyện của quần chúng không, quần chúng có tín nhiệm ở Quốc hội nữa không, đó là một vấn đề. Nhưng dù vấn đề ấy ta giải quyết như thế nào đi nữa, có một điều chắc chắn là một Quốc hội già 10 năm rồi mà vẫn tồn tại ngoài sự can thiệp của quần chúng, sự lựa chọn của quần chúng, chứng minh rằng quần chúng 10 năm nay đã bị truất quyền cử đại biểu của mình rồi. Dĩ nhiên trong thời kỳ kháng chiến, bầu lại Quốc hội là một điều không làm được. Và hiện thời, Nam-Bắc bị tạm chia cắt, do đó sự bầu lại toàn thể Quốc hội cũng là khó khăn. Nhưng dù sao riêng ở các miền giải phóng này, nếu ta chú ý đến quyền người dân cử đại biểu của họ thì nhất định ta phải cho phép người dân bỏ phiếu rồi. Từ khi hòa bình trở lại, 2 năm đã qua, mãi bây giờ trước phong trào quần chúng đòi thực hiện dân chủ, ta mới nghĩ đến quyền bỏ phiếu của người dân và bổ sung Quốc hội.
Nào có thế thôi đâu? Ngay cái Quốc hội ta đang có hiện thời, ta có thực hiện dân chủ với nó không? Chắc chắn là không. Thỉnh thoảng ta mới họp Quốc hội, và trong các buổi họp đó ta chỉ thấy Chính phủ đưa ra các báo cáo để Quốc hội nghiên cứu, xây dựng, hay các chính sách để Quốc hội tán thành và bổ khuyết. Quyền lập pháp của Quốc hội ở đâu? Quyền đề ra đường lối, chủ trương trong nội trị, ngoại giao, quyền nêu trách nhiệm của Chính phủ và các Bộ, quyền lựa chọn nhân viên trong Hội đồng Chính phủ, bấy nhiêu quyền, Quốc hội có được hưởng dụng không? Dư luận quần chúng quan niệm rằng Quốc hội chỉ có quyền thông qua các chính sách mà thôi. Còn như các sắc lệnh hay đạo luật thì thường thường, quyền thông qua ấy chỉ thuộc ban Thường trực của Quốc hội. Nếu Quốc hội là tổ chức cao nhất của quần chúng, đại diện cho quần chúng, thì ta phải khách quan nhận thấy rằng, với vai trò vô cùng yếu ớt của Quốc hội hiện thời, quyền dân chủ của quần chúng không được thực hiện.
Nói đến Mặt trận thì tình hình cũng tương tự. Mặt trận hiện thời là tổ chức quần chúng có lẽ sát tình hình quần chúng nhiều nhất. Nhưng ta có để nó đóng vai trò của nó không? Không. Tác dụng của nó là động viên quần chúng để tán thành, ủng hộ và thi hành các chính sách. Đứng về phương diện này, nó làm tròn nhiệm vụ của nó. Nó xứng đáng với tín nhiệm của Đảng và Chính phủ. Nhưng hoạt động của nó như thế chỉ có một chiều thôi. Ta chưa khai thác các khả năng của nó. Ta chưa nhận thấy bản chất của nó. Nó có thể là liên lạc “hai chiều” giữa quần chúng và Đảng, Chính phủ. Một mặt như nó thường làm, nó động viên quần chúng để thực hiện các chủ trương của Đảng và Chính phủ. Nhưng mặt khác, nó có thể là cơ quan phản ảnh lên Đảng và Chính phủ các ý kiến, thắc mắc, nguyện vọng của quần chúng, góp phần xây dựng các chính sách, nói lên tiếng nói của quần chúng, cung cấp tài liệu nguồn gốc ở quần chúng, tích cực giúp đỡ cấp lãnh đạo tránh khỏi chủ quan, thắt chặt liên lạc giữa cấp lãnh đạo và quần chúng. Nhưng muốn để cho nó đóng vai trò ấy, ta phải “dân chủ” đối với nó, nghĩa là phát động tự do tư tưởng của nó, để nó mạnh dạn nói lên ý kiến của quần chúng, dù là các ý kiến trái ngược với nhận định của cấp lãnh đạo. Nhưng từ trước tới nay, ta không làm như vậy. Ta thấy khó chịu khi nó thỏ thẻ —chỉ thỏ thẻ thôi— những lời làm ta một phút chốc tỉnh giấc mộng chủ quan mà ta trong cấp lãnh đạo đang say sưa. Vì vậy ta chỉ thường cho phép nó, chỉ khuyến khích nó phụ họa ta, tán đồng ta với thái độ của đứa con khen hay khi mẹ nó hát. Tóm lại, ta không dân chủ với nó. Do đó, ta hạn chế khả năng của nó, nó không giúp ích gì cho cấp lãnh đạo.
Thiếu dân chủ là gì? Là xa rời quần chúng, là giam hãm mình vào ngục thất của chủ quan. Tại sao một chính thể cách mạng lại có thể phạm sai lầm nghiêm trọng như vậy được?
Trước đây, ta không trả lời được. Những người kính yêu cách mạng rất ngạc nhiên khi thấy có kẻ đi tìm tự do, rời bỏ hàng ngũ cách mạng để lén sang phía tư bản. Ngay trong thủ đô ta hiện thời, qua Đại hội lần thứ 3 của Mặt trận Thành, ta thấy phản ảnh ý muốn của bao nhiêu đồng bào muốn đi Nam. Ta nghĩ đến các đồng bào, trong thời kỳ kháng chiến, gạt nước mắt mà trở về Hà-nội. Nếu cách mạng mang lại cho họ ánh sáng và hạnh phúc, sao lại có người lo ngại trước cách mạng, đau đớn vì cách mạng. Các người ấy không phải thuộc thành phần kẻ thù của cách mạng, trái lại thuộc thành phần cơ bản trong nhân dân, như nông dân, công nhân. Thế thì đâu là chân lý? Đó là một vấn đề mà trước đây ta chỉ đặt thôi và không giải quyết được.
Bây giờ sau Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Liên-sô, sau các cuộc bạo động ở Berlin, Poznan, bên Tiệp, bên Hung, ta hiểu rõ vấn đề, ta giải quyết được nó. Chung quy, mặc dầu cách mạng là tốt đẹp, mang lại hạnh phúc cho dân tộc, sở dĩ vẫn có người xa lánh cách mạng, chẳng qua là vì chính thể cách mạng mắc trầm trọng bệnh xa lìa quần chúng, thiếu dân chủ, do đó đi càng ngày càng sâu vào tình trạng quan liêu, mệnh lệnh, duy trì một thái độ lãnh đạo hẹp hòi, độc đoán, có khi độc tài. Thái độ một chiều không muốn, không cho phép ai nói cái gì trái ngược ít nhiều với ý kiến nhận định, thành kiến của mình. Mình tự phụ, tự hào mình có độc quyền tìm thấy và gìn giữ chân lý. Đó là tật tự cao tự đại của nhà cách mạng. Ta bay bổng lên trời xanh của ảo tưởng, ta chỉ tin ở ta. Trong tư tưởng, ta không khinh quần chúng, nhưng trong hành động, quả thật con mắt khách quan nhận thấy ta bất chấp quần chúng. Thậm chí, khi ta nghe thấy một tiếng nào từ quần chúng nói lên rằng ta nhầm, ta làm như thế này mới phải, lập tức ta thét ngay đó là tiếng của địch. Sở dĩ quan điểm bạn thù của ta mơ hồ, và đâu ta cũng trông thấy địch, chẳng qua là vì ta quá tự phụ, ta sùng bái ta quá đáng mà thôi. Bây giờ ta biết rõ là nếu bệnh ấy phổ biến trong hàng ngũ cách mạng hiện thời thì trách nhiệm chính là Stalin phải chịu. Vì tự cao, tự đại, tự phụ, tự mãn, Stalin không cho phép ai dân chủ với mình, đâu cũng trông thấy địch. Kết quả thế nào ta đã biết: khẩu hiệu nêu lên, thét lên, gào lên là: đề cao cảnh giác. Và lợi dụng tình thế ấy, ta biết Béria đã làm những gì, phạm tội ác như thế nào.
Nếu không có quyết nghị lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Liên-sô, nếu không có những sai lầm cực kỳ tai hại trong Cải cách, ta chưa mở mắt được, ta sẽ còn thấy bao nhiêu máu oan chảy thành suối thành sông, bao nhiêu người kính yêu cách mạng mà vẫn đau sót rời bỏ cách mạng. Tuy ta phải trả một giá quá cao, nhưng bây giờ ta biết rõ nguyên do của các đau khổ của ta: ta thiếu dân chủ.
III. Phương hướng sửa chữa các sai lầm
Qua lịch sử tranh đấu của quần chúng hai nghìn năm nay, ta thấy cái gì mà nhân bản của loài người đòi hỏi thiết tha nhất, đó là một đời sống vật chất tương đối đầy đủ êm ấm, đó là một đời sống tinh thần tương đối ổn định, có đảm bảo và tự do. Hạnh phúc của loài người xây dựng trên cơ sở dân sinh và dân quyền. Tôi muốn nhấn mạnh ở đây về vấn đề dân quyền. Ta được biết từ hai thế kỷ nay chủ yếu trong vấn đề dân quyền là vấn đề dân chủ, nghĩa là quyền của người dân làm chủ trên đất nước, đồng thời là quyền của con người được sống theo các nhu cầu thiết yếu và chính đáng của nhân bản. Từ cuộc Cách mạng tư sản Hoa Kỳ cuối thế kỷ 18, Cách mạng tư sản Pháp 1789, tới cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa của Nga, quần chúng nổi giậy, mang xương máu để giành kỳ được chế độ dân chủ. Sau cuộc đại chiến lần thứ hai, Hiến chương Liên hiệp quốc đúc kết những thành quả của các phong trào lịch sử tranh đấu cho dân chủ và đặt các nước văn minh trước trách nhiệm của họ để thực hiện và đảm bảo các nguyên tắc dân chủ. Đối với các nước tư bản ta không ngạc nhiên thấy chế độ dân chủ thực hiện với những thiếu sót quan trọng. Nhưng ta có quyền ngạc nhiên khi ta thấy các thiếu sót ấy cũng xuất hiện trong các nước đã hoàn thành cuộc Cách mạng dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa. Đại hội lần thứ 6 của Hội Quốc tế các luật gia dân chủ họp trong tháng 5 vừa rồi tại Bruxelles đã lấy làm tiếc mà nhận thấy rằng trong tất cả các nước, dù tư bản hay xã hội chủ nghĩa, mặc dầu các Hiến pháp, các bộ luật tuyên bố trịnh trọng, tôn trọng thực hiện, đảm bảo thực hiện các nguyên tắc dân chủ, tuy nhiên các nguyên tắc này vẫn bị dày xéo. Vì vậy trong tất cả các nước, quần chúng tranh đấu kịch liệt.
Ở nước ta, trong bản Tuyên ngôn độc lập, trong Hiến pháp cũng như trong các sắc lệnh, đạo luật, nguyên tắc dân chủ đã được ban bố. Nhưng qua phong trào phát huy dân chủ mà Chính phủ chủ trương, qua đại hội nhân dân thủ đô lần thứ 3, các Đại hội Mặt trận Trung ương, Mặt trận Thành, qua thông cáo của Hội nghị lần thứ 10 của Trung ương Đảng Lao động, của Chính phủ v.v., nhân dân nhận thấy, và Đảng cũng như Chính phủ xác nhận rằng ta thiếu sót về dân chủ khá nhiều. Vì các thiếu sót ấy, ta phạm các sai lầm nghiêm trọng trong Cải cách ruộng đất như tôi đã trình bày trên đây. Nguyên nhân sâu sắc của các sai lầm ấy, ta có thể quy kết được. Sở dĩ đời sống tinh thần của ta không được ổn định, lúc nào ta cũng nơm nớp lo sợ các hành động “lộng quyền” của nhà đương cục, là vì ta thiếu một chế độ pháp trị phân minh, không đề ra nghĩa vụ và quyền lợi của mọi người, đồng thời cả của cấp lãnh đạo nữa. Sở dĩ cấp lãnh đạo có thể phạm được các sai lầm nghiêm trọng trong Cải cách Ruộng đất, tổn thất cho xương máu, mồ hôi nước mắt của đồng bào, cho uy tín của Đảng và Chính phủ, là vì người dân không có quyền, không có phương tiện nói lên ý kiến của mình, tham gia xây dựng các chính sách của Chính phủ.
Do đó, phương hướng sửa chữa các sai lầm là một chế độ pháp trị chân chính, một chế độ dân chủ thực sự.
Một chế độ pháp trị chân chính — Ở đây, chưa phải lúc và chỗ để tôi trình bày ý kiến về vấn đề pháp trị. Ta sẽ có dịp khác. Ở đây, tôi chỉ muốn trình các quí vị một nhận xét.
Đảng Lao động và chính phủ có nhận thấy cần thiết, trong chính sách sửa chữa các sai lầm trong Cải cách, phải “tăng cường chế độ pháp trị” của ta. Tôi e rằng trong tư tưởng lãnh đạo, sự nhận thức về vấn đề pháp trị chưa được rõ và đầy đủ. Chính trị vẫn coi pháp luật như một “bà con nghèo”. Chữ “tăng cường” là một chứng minh. Tuy rằng trong nước ta có một Bộ Tư pháp, có các toà án, có luật lệ, nhưng chế độ pháp trị hầu như không có. Đó là một điều tôi sẽ nghiên cứu sâu sắc hơn khi nào tôi trìng bày ý kiến về chế độ pháp trị, một chế độ pháp trị chân chính. Theo ý tôi, thì vấn đề không phải là tăng cường mà là xây dựng.
Một chứng minh khác trong chính sách Sửa sai trong Cải cách này, tôi vẫn thấy chính trị lấn áp pháp lý. Trước hết bức thư của ông Hồ Viết Thắng tự phê bình và xin rút lui khỏi Mặt trận Trung ương chỉ là một giải pháp chính trị mà thôi. Trong cuộc mạn đàm với các vị đại biểu đến họp hội nghị này, tôi nhận thấy không ai “thông” về ý kiến và biện pháp ông Hồ Viết Thắng trình bày cả. Riêng về phần tôi là một nhà luật học, tôi chưa thể nào nhận định được trách nhiệm của ông Thắng. Có thể trách nhiệm của ông ấy rất lớn, có thể rất nhỏ. Đứng trên tinh thần pháp lý, sự nhận tội lỗi của một người không đủ để qui định trách nhiệm của người ấy. Trong Cải cách, khi những đảng viên ưu tú bị đoàn Cải cách gán cho là phản động, ra trước nhân dân, có người cũng nhận tội trong khi biết là mình oan. Ta nên rút kinh nghiệm vừa qua, sửa sai không phải là phạm các sai lầm khác. Do đó, đứng trên một lập trường pháp trị chân chính, tôi đề nghị phải lập một ủy ban điều tra gồm các vị đại biểu Quốc hội, Mặt trận, Đảng Lao động với sự cộng tác của các vị thẩm phán cao cấp, giàu kinh nghiệm để lập một hồ sơ theo phương pháp pháp lý đã nhận định, trên quá trình đi từ lãnh đạo qua chỉ đạo đến chỗ thực hiện chính sách, trách nhiệm ở chỗ nào và do những ai phải chịu. Sau khi kết thúc cuộc điều tra, ủy ban ấy sẽ phân tách trách nhiệm chính trị và trách nhiệm pháp lý. Ai chịu trách nhiệm chính trị sẽ trả lời trước Quốc hội biến thành Toà án tối cao. Ai chịu trách nhiệm pháp lý sẽ trả lời trước các tòa án tư pháp. Dưới con mắt của quần chúng theo dõi xây dựng cuộc điều tra và xét xử, công lý phát huy, không còn ai thắc mắc nữa.
Có người hỏi làm thế để làm gỉ? Tôi xin phép trả lời. Làm thế để rút kinh nghiệm. Tôi cảm thấy ngay hiện thời ta chưa rút được kinh nghiệm đâu. Chính trị không những lãnh đạo pháp lý —đó là đúng— nhưng vẫn lấn át pháp lý, thay thế cho pháp lý, như trong trường hợp ông Hồ Viết Thắng, như thế là ta vẫn mở cửa cho các sai lầm mới còn nguy hại hơn nữa. Không những thế, ta biết rằng nhu cầu công lý thuộc nhân bản con người văn minh. Từ người bị xử trí oan cho đến các người chỉ chịu thiệt gián tiếp vì các sai lầm, có thể nói được rằng toàn dân đợi chờ công lý. Một biện pháp chính trị xuề xoà không thỏa mãn được ai. Bằng chứng ở nông thôn, ta được biết tình hình “căng thẳng”. Phong trào trả thù, tự xử diễn ra khắp mọi nơi, kéo chúng ta trở về quá khứ của lịch sử. Còn như các đảng viên bị xử trí sai, tâm hồn các anh em như thế nào, ta chỉ cần đọc lại báo Nhân Dân. Tuy rằng các anh em kết thúc các bài tường thuật lại đau khổ của mình bằng những lời phấn khởi, nhưng các lời này không làm ta quên được các lời phẫn uất, chua xót, cay đắng mà các anh em nói lại với ta từ đầu bài. Nhưng bi đát hơn hết là các chiếc khăn trắng chít trên đầu họ hàng thân thích của những anh em bị xử tử, những bàn thờ vẫn dựng trong nhà, các thổn thức phá vỡ im lặng của các đêm hiu quạnh, các ngày cúng giỗ nhắc lại hàng năm bi kịch thê thảm đã diễn ra trong gia đình vì cuộc Cải cách. Nhân dân đòi hỏi các người có công được thưởng và các người có tội phải đền tội. Trách nhiệm của tất cả mọi người từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, phải được qui định rõ ràng, dứt khoát. Như thế mới yên được lòng dân, như thế mới thu phục được nhân tâm. Kinh nghiệm lịch sử dạy ta điều ấy. Trong chính sách sửa chữa sai lầm, ta không thể quên được bài học lịch sử. Quần chúng im lặng đợi chờ công lý.
Chúng ta thiết tha mong ước ở chính trị một nhận định đúng về vai trò của pháp luật phục vụ cách mạng. Kinh nghiệm đau đớn vừa qua bó buộc ta phải xây dựng lại quan điểm “địch” trên cơ sở pháp lý và pháp trị. Các sai lầm nghiêm trọng ta đã phạm bắt nguồn ở một quan điểm chính trị về địch. Quan điểm ấy linh động quá, “biện chứng” quá, nên ta không biết phân tách địch và ta, do đó ta đánh cả ta nữa. Muốn tránh các sai lầm hôm qua đừng tái diễn ngày mai, ta cần xác định theo hình luật thế nào là địch. Lúc đó ta mới đánh đúng địch, và có đánh đúng địch ta mới củng cố được ta, ổn định được nhân tâm, duy trì lại trật tự và an ninh ở thôn quê, kiến thiết lại đoàn kết giữa các tầng lớp nhân dân ở thôn quê cũng như ở thành thị, đảm bảo cho quần chúng một đời sống tự do, thoát khỏi mọi sự đe dọa của “lộng quyền”, bênh vực các quyền căn bản và thiết yếu của con người.
Tóm lại, nếu chính trị giác ngộ, vui lòng tôn trọng pháp lý, thiết lập một chế độ pháp trị trong đó chính trị vẫn lãnh đạo pháp lý, nhưng đồng thời nêu thật cao gương phục tùng pháp lý và pháp trị thì nhất định chính trị khôi phục đuợc uy tín và được quần chúng nhiệt liệt ủng hộ.
Một chế độ thực sự dân chủ — Thế nào là một chế độ thực sự dân chủ? Đó là một chế độ trong đó người dân được làm chủ trên đất nước không những trong hiến pháp, mà cả trong thực tế nữa. Đây không phải là lúc, là chỗ, mà ta đi sâu vào vấn đề. Ta chỉ cần nhận thấy rằng trong giai đoạn hiện thời, quần chúng có đòi hỏi cái gì quá đáng đâu, chỉ yêu cầu có một điều thôi, là được đàm thoại với cấp lãnh đạo, được đề đạt lên cấp lãnh đạo, ý kiến về các chính sách do cấp lãnh đạo xây dựng. Các vị lãnh tụ đã bao lần khen dân ta tốt. Mà dân ta tốt thật. Bằng chứng là điều tôi vừa nhắc lại đây. Trong khi quần chúng có quyền đòi hỏi ở một chính thể cách mạng rất nhiều, nhân dân ta chỉ có một yêu cầu mà ai cũng phải nhận là chính đáng. Tại sao nhân dân chỉ có cái yêu cầu nhũn nhặn ấy mà thôi? Là vì nhân dân thông cảm với cấp lãnh đạo phải đương đầu với bao khó khăn. Nhưng nếu nhân dân chỉ đề ra có một yêu cầu, yêu cầu ấy thiết yếu. Tôi tin rằng cấp lãnh đạo cũng nhận thấy như vậy. Tôi không quên lời của ông Trường Chinh đọc bản tự phê của Đảng Lao động tại Hội nghị này. Ta nghe thấy cấp lãnh đạo thú nhận trước Hội nghị rằng Trung ương Đảng đã phạm sai lầm là xa quần chúng, chỉ tiếp xúc với quần chúng qua báo cáo của các cán bộ đảng viên mà thôi. Ta phải nhận định rằng đây là một sai lầm nghiêm trọng. Do đó, cuộc Cải cách Ruộng đất của ta đã gặp các thất bại cay đắng. Trái với lời ta thường nói, ta đã thiếu dân chủ với nhân dân.
Nhân dân nhất định không để tình trạng tai hại ấy kéo dài nữa. Tôi xin phép Hội nghị góp một số ý kiến để chấm dứt tình trạng đó. Tôi không đặt vấn đề dân chủ nói chung. Tôi chỉ chú ý đến yêu cầu thiết tha nhất hiện thời của quần chúng là được phản ảnh lên ý nguyện của mình. Theo ý tôi, để thực hiện và đảm bảo yêu cầu vô cùng chính đáng ấy, chỉ cần ba giải pháp.
- Một chế độ báo cáo của cán bộ. Đảng tín nhiệm ở cán bộ. Đúng! Không tài nào khác được. Vậy phải đặt các cán bộ có nhiệm vụ báo cáo trước trách nhiệm của họ. Một báo cáo không phản ảnh trung thành sự thực với các khía cạnh của nó, với các ưu và khuyết điểm của nó, rất tai hại. Cấp lãnh đạo cần đề cao cảnh giác với các con số thống kê, các động cơ bất chính của cán bộ muốn thi đua thành tích, vưà mị dưới, vừa lừa trên, do đó đưa ra một hình ảnh quá hẹp của thực tế. Ta phải tiến tới giải pháp nhận định rằng người nào hữu ý xuyên tạc sự thật vì động cơ bất chính, có thể bị truy tố về tội giả mạo được.
- Một chế độ cho các đoàn thể nhân dân được quyền mạnh dạn nói lên ý kiến của quần chúng mà họ tập hợp. Từ trước tới nay, ta có thể ví Đảng Lao động như một cây rất to, lá ruờm rà che hết ánh sáng của mặt trời, khiến ngay một ngọn cỏ cũng không mọc dưới chân nó được. Vì vậy, Quốc hội cũng như Mặt trận không thể đóng được vai trò của mình. Ở đây, tôi chỉ xin phép nói về Mặt trận của ta thôi. Các vị đã thấy rằng từ khi thành lập Mặt trận Liên Việt cho đến Mặt trận Tổ quốc, chúng ta chỉ có nhiệm vụ động viên quần chúng thi hành chính sách mà thôi. Đó là một nhiệm vụ. Nhưng dù sao chỉ có một chiều. Ta là giây liên lạc giữa các cấp lãnh đạo và quần chúng. Nếu ngược lại, ta có quyền liên lạc giữa quần chúng và cấp lãnh đạo, nghĩa là phản ảnh lên Đảng và Chính phủ ý kiến thắc mắc, nguyện vọng của quần chúng, công tác của ta thế nào cũng tốt đẹp hơn, hoàn hảo hơn. Ta gắn liền lãnh đạo và quần chúng, do đó lãnh đạo sát hợp với thực tế hơn. Tôi xin phép đặt mỗi vị ủy viên trước trách nhiệm của mình. Chúng ta ủng hộ Chính phủ, nhưng chúng ta cũng là đại biểu của nhân dân. Công tác của chúng ta có hai mặt, chúng ta không thể chỉ lệch về một bên được. Quần chúng không cho phép chúng ta làm như vậy, muốn theo rõi công việc ta làm vì chúng ta làm đại biểu của quần chúng, được quần chúng tín nhiệm. Quần chúng giao quyền cho chúng ta, chúng ta phải xứng đáng với sự ủy quyền ấy. Ta sử dụng quyền ấy thế nào, quần chúng đòi kiểm soát ta.
Để đạt mục đích này, tôi xin phép đề nghị: một là mỗi ủy viên phải có nhiệm vụ phản ánh lên Mặt trận ý kiến của quần chúng. Mặt trận phải có nhiệm vụ đề đạt lên cấp lãnh đạo những phản ảnh của các ủy viên và báo cho các vị ấy thái độ của cấp lãnh đạo giải quyết vấn đề ra sao, sử dụng các phản ảnh ấy như thế nào. Khi Mặt trận họp hội nghị, phải cho phép quần chúng đến bàng thính: để quần chúng kiểm soát công việc của Mặt trận làm và thái độ của các ủy viên. Dĩ nhiên các người bàng thính ấy không có quyền tham gia thảo luận, chỉ được nhập hội trường cho tới khi hết số ghế dành cho quần chúng, và phải tôn trọng kỷ luật của hội nghị. Ngoài ra, báo chí, đặc biệt báo chí của Mặt trận như tờ Cứu Quốc, phải phản ảnh trung thành nội dung của các cuộc thảo luận và đăng các tham luận của các vị ủy viên. - Một chế độ tự do ngôn luận, xuất bản báo chí — Ta phải đề phòng trường hợp các cán bộ không báo cáo, các ủy viên Mặt trận không phản ảnh ý kiến của quần chúng. Do đó, ta thấy cần thiết phải cho phép quần chúng nói lên tiếng nói của mình qua báo chí. Có người lo ngại rằng tự do ngôn luận này mà ai cũng thấy cần thiết có thể bị sử dụng một cách bừa bãi. Về điều này ta phải suy nghĩ. Mối lo ngại trên đây xuất phát từ động cơ nào? Nếu là động cơ tốt —nghĩa là do một nhiệt tình đối với cách mạng gây ra— ta hoan nghênh. Nhưng ta cũng sẽ trả lời rằng trong một chính thể dân chủ muốn sử dụng tự do nào, dĩ nhiên phải nêu trách nhiệm của người sử dụng tự do ấy trước pháp luật. Nếu sử dụng với tinh thần trách nhiệm hợp pháp, ta không có quyền kêu ca gì, trái lại, ta hoan nghênh. Nếu lạm dụng một cách vô trách nhiệm, ta đã có tòa án để nghiêm trị. Vậy ta không lo ngại. Nhưng nếu mối lo ngại xuất phát từ một động cơ bất chính, nhắm mục đích thủ tiêu các tự do dân chủ, thì tôi chỉ cần khuyên nhủ người lo ngại như vậy nên đọc lại lịch sử các phong trào cách mạng trong hơn một thế kỷ nay. Họ sẽ nhận thấy rằng chưa bao giờ, chưa ai có thể ngăn cản được một phong trào quần chúng tranh đấu đòi các tự do dân chủ.
Không những ta công nhận các tự do dân chủ, ta lại còn cung cấp phương tiện để thực hiện các tự do ấy. Thí dụ tự do ngôn luận. Ta có các báo của Chính phủ, của Đảng, của Mặt trận, ta lại có các báo của tư nhân, ta giúp đỡ cho các báo ấy giấy và mực in đầy đủ, ta lại còn quảng cáo cho các báo ấy là đàng khác nữa. Các cơ quan tuyên truyền, báo chí của ta không bao giờ tìm khó dễ cho các báo ấy, và khi nào các báo đó được hàng vạn độc giả hoan nghênh, ta rất lấy làm sung sướng vì trong thâm tâm ta, ta là những người dân chủ.
Các biện pháp tôi đề nghị trên đây đều nhằm mục đích cống hiến các cấp lãnh đạo một nhận thức đúng và sát thực tế mà cấp lãnh đạo không có điều kiện biết đến một cách trực tiếp. Sát với thực tế của quần chúng, cấp lãnh đạo thông cảm với quần chúng, đi đúng đường lối của quần chúng, được quần chúng tín nhiệm, ủng hộ, mến yêu.
Thưa các quý vị,
Tôi nói đã quá lâu, nhưng tôi tin các vị cũng tha thứ cho, vì biết rằng tôi là một người thiết tha đến sự nghiệp của cách mạng và tiền đồ của dân tộc. Các ý kiến của tôi, dù sai hay đúng, tôi cứ thành khẩn đề đạt lên các vị, gọi là để góp phần vào hội nghị, một phần nhỏ mọn nhưng chan chứa một niềm hi vọng và tin tưởng vô biên ở tương lai của đất nước.
Hà-nội, ngày 30.10.1956
Nguyễn Mạnh Tường - Kẻ bị rút phép thông công (12)
Nguyễn Mạnh Tường - Kẻ bị rút phép thông công (12)
5. Bi kịch bị mất phép thông công, bị cô lập và cô đơn
Từ xưa con người đã sống quay quần trong một cộng đồng. Một khi các nhu cầu đòi hỏi đã vượt quá sức lực và khả năng của cá nhân và gia đình thì chúng chỉ được thoả mãn thông qua sự giúp đỡ hổ tương và hợp tác trong cộng đồng, nhất là trong lãnh vực quốc phòng, canh nông cây lương thực, chỗ ở, quần áo, giáo dục… Cái sinh hoạt muôn mặt chung góp cho việc duy trì cuộc sống vật chất của mỗi cá nhân, chú trọng đến sự phát triển về thể chất con người, từ đó bảo vệ sự toàn vẹn của con người và sự tiếp diễn của cuộc sống.
Nhưng ra ngoài những giới hạn của thể chất và cuộc sống vật chất là cái không gian vô giới hạn và vô cùng của cảm xúc và con tim. Xã hội không muốn và không thể can thiệp vào hai lãnh vực này. Cái bên trong đó chính là phòng xét nghiệm, là nơi cấu thành những quyết định của nội tâm, dẫn tới những hành động thể hiện nhân cách và biểu hiện ước vọng của con người. Có một sự hỗ tương qua lại giữa hai thế giới, thế giới bên ngoài tạo ra những điều kiện buộc con người phải phản ứng, thế giới bên trong phản ứng lại làm cho ngoại cảnh lại trở lại tác động trên con người. Cái cơ chế với hai chuyển động qua lại này giúp bảo đảm một sự quân bình cho cá nhân, những trao đổi giữa hai thế giới, bên ngoài và nội tâm, giúp định vị và duy trì con người giữa một hệ thống phức tạp gồm những tác động, phản tác động giúp cho con người cảm nhận sự sống.
Bởi vì, cộng sản đã ngăn cản những tiếp xúc và trao đổi giữa hai thế giới, ngoại cảnh và nội tâm, cắt đứt cái quan hệ giữa chúng và bộ máy ngưng không chạy hết công sức mà chỉ chạy cầm chừng, làm chậm đi một cách đáng kể chuyển động của các bánh quay và mắc xích. Trong những trường hợp quá nặng, cá nhân bị cắt đứt khỏi thế giới bên ngoài, họ sẽ mất đi những cảm xúc rồi dần mất luôn cả những khả năng của lý trí và tâm lý sẽ rơi vào sự tê liệt càng ngày càng lớn. Cá nhân có thể trở thành khùng điên và tổ tiên sẽ không mất công chờ đợi lâu để đón họ ở bên kia thế giới. Đó là thứ hình phạt nặng nề nhất dành cho con người. Bên kia chuyện đó chỉ là án tử hình.
Trong trường hợp cá nhân tôi, không hề có một bản án được tuyên, không nhà lao, không phòng nhốt tù. Nhưng trong nhà nước cộng sản, có bao nhiêu thứ hình phạt không tên được tiến hành, không chính thức, nhưng về lâu đó chỉ là những án tử hình không hơn không kém. Đó là hình phạt cắt phép thông công mà những kẻ cuồng tín chính trị đã cóp nhặt từ kho tàng tội phạm thời Trung Cổ, cắt phép thông công là vũ khí quyết liệt của bọn cuồng tín tôn giáo. Người ta đã cấm tất cả những người trong họ đạo không được chứa chấp, nuôi ăn hay cho mặc những kẻ bị mất phép thông công là những kẻ đã mất nhà cửa, kế sinh nhai, quần áo, không còn cách nào có được một cuộc sống bình thường như trước. Chuyện cắt phép thông công của tôi chỉ dừng ở chỗ cấm cửa không tôi vào dạy ở Đại Học và bước vào các Toà để hành nghề Luật Sư. Cả mười Uỷ Ban Chấp Hành Trung Ương của mười tổ chức quần chúng không chính thức đã tiến hành loại tôi ra nhưng họ chỉ dừng ở chỗ là không mời tôi đến dự những buổi họp của họ. Thái độ của cộng sản là có ý nghĩa: họ là những tín đồ của những biện pháp nửa chừng, rình đâm sau lưng, bỏ thuốc độc vào tách trà hay gian trá tạo ra những vụ tai nạn chết người. Tội ác đã phạm nhưng không để dấu vết. Dưới mắt của Luật Pháp, họ có thể kêu gào là chuyện xảy ra là không có chứng cớ, và hơn như thế, trong xã hội, họ đã tránh được những tai tiếng, tránh làm dấy lên những dư luận chính trị, mà vẫn giữ được danh tiếng cho người bị trừng phạt trong đời sống xã hội và chính trị. Chủ nghĩa Machiavelli vẫn được tiến hành dưới một lớp nguỵ trang đầy nghệ thuật.
Liên quan đến chuyện của tôi, tôi không bị ném vào tù hay bị còng tay. Tôi không bị bắt đưa ra bất cứ toà án hình sự hay chính trị nào. Tôi không bị bắt đày đi xa nhà hay xa gia đình. Nhưng cả xã hội và mọi người đều biết: để tránh phải chịu những phiền phức, những ai muốn tiếp xúc với tôi, dù bất cứ chuyện gì, đều không dám. Nhà tôi như đang chứa một người đang bị bệnh dịch, không nên đến gần. Ra đường, mọi người thấy tôi từ xa đã quay ra ngõ khác để tránh đụng mặt, nếu người nào đó, vì vô tình vô ý hay vì can đảm đến gõ cửa gặp tôi, ngay sau khi vừa rời khỏi nhà là đã có công an mời về cơ quan để tra tấn họ với những câu hỏi về họ là ai, về gia đình và tầng lớp xã hội và đặc biệt là có quan hệ gì đến tên tội phạm là tôi đây. Chắc chắn rằng tên tuổi của người đó sẽ được ghi vào sổ đen và từ đó sẽ thường xuyên bị theo dõi. Không cần phải có cặp mắt tinh anh để nhận biết rằng ở tất cả những ngã tư đường dẫn đến nhà tôi lúc nào cũng có một hay hai tên cớm dù đã thay đổi căn cước hình dạng nhưng không đổi nhiệm vụ cảnh giới và canh gác, để chận bắt những người chỉ vì vô tâm hay gặp lúc số phần bị xấu mà đến bấm chuông nhà tôi. Thật là một màn hài kịch, vừa tức cười vừa bi đát, mỗi khi tôi ra khỏi nhà để đi lang thang đây đó, tôi luôn luôn bị bám đuôi theo dõi chặt chẽ. Nhiều người bạn thấy tôi từ xa đã ngay tức khắc quay lưng và biến mất như chiếc bóng trong đêm. Nếu gặp đôi lúc, để giữ gìn sức khoẻ, tôi ra ngoài tản bộ quanh những con đường kế cận, tôi không bao giờ bỏ qua cơ hội, mỗi khi đi ngang qua những người công an đang theo dõi tôi, cẩn thận giở nón chào họ một cú ra trò làm cho họ không được vui lắm. Cả họ và tôi đều biết rõ họ đang diễn trò gì. Như thế họ phải hiểu là tôi quá biết rõ những lệnh lạc mà họ nhận từ chủ nhân và cái tinh quái của tôi là không bao giờ để cho cái cảnh giác của họ có thể thình lình bắt tôi được. Dĩ nhiên, tất cả thư từ của tôi đều bị mở và một số không bao giờ đến tay tôi. Tất cả thông tin đều được ghi vào hồ sơ, về tên tuổi những người gửi thư cho tôi và dĩ nhiên họ sẽ tiến hành điều tra về những người này. Tất cả những con chó to đùng được gửi đến để cắn tôi đều không thể táp với những cái răng nanh vì chúng không thể tìm ra khoảng trống nào có thịt của tôi cả. Sau nhiều năm dài theo dõi, chủ nhân của chúng khám phá rằng chẳng được tích sự gì nên đã buộc phải chấm dứt sự theo dõi đó.
Vào thời gian đầu của cuộc sống đầy bất hạnh của tôi, và trong suốt những chuỗi ngày đen tối đó, tôi thật bất ngờ khi thấy những nhân vật chính trị có tầm cỡ đến nhà tôi, như đồng chí Hà Huy Giáp. Tôi không biết ông ta tự ý đến hay có ai đó đã giao cho ông việc làm đến thăm tôi như thế. Ông ta tỏ vẻ lo lắng cho sức khoẻ của tôi và đặt những câu hỏi vô thưởng vô phạt về sinh hoạt của tôi. Trước đây tôi được nghe những lời đồn tốt về ông nhưng chưa có dịp gặp ông ta. Cuộc trao đổi không đi sâu đến mức riêng tư nhưng tôi có cảm tưởng là có những động lực thân thiện đã đưa ông đến nhà. Một người trong Trung Ương, một nhân vật khá quan trọng của Đảng, đã cất công đến thăm một kẻ bị loại, bị mất phép thông công. Bất kể cái gì, bất kể từ động lực tình cảm nào, cuộc viếng thăm của ông ta như thể một tia nắng chiếu vào đêm tối cô độc của tôi.
Mặc dù với cuộc viếng thăm rạng rỡ và đầy ánh sáng của Hà Huy Giáp như là một tia chớp làm sáng lên đêm tối của đời tôi, tôi vẫn cảm thấy đau khổ cô đơn sống cô lập vì người ta đã kết án tôi. Tôi không bị cô lập với gia đình nhưng vợ con cố giấu nhịn những dòng nước mắt để không làm tôi khổ thêm, và tôi biết những giọt nước mắt của họ lại sẽ tuôn trào những khi tôi vắng nhà. Về phần tôi, tôi rán tránh nhìn trong mắt họ để không nhìn thấy những nếp nhăn trên gò má vì những đêm mất ngủ và phải chịu quá nhiều đau khổ. Một khi quyền lực đã ném sức nặng vào tay gìới cầm quyền, họ hống hách tuyên bố, dưới cái nhìn của họ, là đã có kẻ đã phạm một tội ác không dung thứ được, thì cái sợ hãi đã lan ra đến nỗi không ai dám mở cửa hay mở lòng đón tiếp kẻ “phạm tội” đó. Kẻ “phạm tội” chỉ còn cách tự buộc mình sống trong cô lập mà cũng chỉ có nó là phải chịu đau khổ bởi những dày vò đau đớn của sự cô đơn. Không có nhà nào dám che chở cho nó ngủ, không một bộ quần áo nào có thể che chở cho nó chống chọi đêm đông lạnh giá, không món ăn nào làm ấm bụng, giúp cho nó chút sức để đứng dậy trên đôi chân mà bước đi, không còn một đôi tai thân thích nào để nghe lời than vãn của họ, không một tiếng nói đầy lòng thương nào để ban bố cho tiếng kêu than.
Người đời nhìn tôi, tôi nhìn họ, không còn ai nhận ra ai. Vâng, một kẻ bị trục xuất, bị cắt phép thông công thì phải sống cô đơn ở mọi nơi, ngay cả khi đang sống trong đất nước của mình.
Nhưng cuộc sống bị cô lập giữa những người xa lạ, dù họ là những người cùng nòi giống với bạn, đau đớn bao nhiêu cũng không sánh bằng cái khổ khi phải thấy cái thống khổ của chính gia đình mình, của những người thân thương nhất, của người bạn đời và của máu mủ của mình! Cái cô đơn này cũng là cái quí giá hiếm hoi làm lộ ra cái tình yêu sâu đậm tạo nên sợi giây liên lạc thiêng liêng giữa tôi và vợ con. Họ đau khổ khi nhìn thấy tôi khổ. Họ nghĩ suy cho đó là bổn phận và tình yêu nên cố giúp tôi bớt đau khổ bằng cách giấu đi khổ đau của chính họ. Tự nó, đó là cái động lực rất đáng khen, quý phái, đáng được thán phục và vinh danh, nhưng rủi thay, người chồng và cha, mà họ mong muốn làm cho bớt khổ, dù chỉ trong muôn một, lại làm cho hắn khổ đau gấp hai khi thấy không thể chia cho nhau những tiếng thở dài và niềm đau cay đắng. Trong cuộc chơi đầy bi thảm và đau đớn, mỗi người trong ba chúng tôi là lo cho người kia, cho hai người kia, tin rằng mình mới là kẻ có khả năng chịu những đợt tấn công của nghịch cảnh và giữ được sự thanh thản và cân bằng bên trong để có được sự an bình của tâm hồn. Nhưng cái mà đang giết chúng tôi là ai cũng biết mình đang lừa dối với chính mình, và muốn lừa dối người kia hay cả hai người kia. Không ai bị lừa cả, nhưng cả ba người đều tự cho rằng mình là người được nhiều an ủi, để rồi tuôn trào nước mắt nhiều hơn khi nỗi cô đơn đến trong đêm khuya.
Vì thế tôi rất đau khổ khi biết rằng vợ con đã phải chịu khổ vì mình, sức khoẻ họ đang kém đi vì những đêm không ngủ kéo dài, và cứ lập đi lập lại mỗi ngày. Ý nghĩ đó tra tấn tôi ngày đêm, xé nát tim tôi, làm tôi luôn thao thức trên giường, buộc tôi phải ngồi dậy, bước quanh trong phòng cho tới khi đi nằm lại. Trong nhà, cả ba con người đều không nhắm mắt ngủ được, và nhờ cái đói, họ đành cứ phải lê những buớc yếu ớt quanh phòng và nếu có một cơn ngủ đến làm họ nằm xuống, chẳng qua là nhờ sự kiệt sức đã làm tan biến chút năng lượng hay sức lực còn lại. Thật là một phép lạ khi chúng tôi đã vượt qua biết bao lần như thế, trong khi chỉ cần một lần là có thể đã dễ dàng lấy đi mạng sống của chúng tôi.
Nếu cứ mỗi cuộc khủng hoảng làm chúng tôi đau nhức chết người, thì những lúc tĩnh lặng sau đó, khi dài khi ngắn, lại làm cơn đau dồn dập hơn nữa. Cái đau đớn đã xé tôi ra từng mảnh, đè nghiến, xé toạc tôi, xuyên thủng tim tôi những lỗ sâu bén, cắn xé hồn tôi ra từng mảnh với hàm răng sắc nhọn. Đó là một thứ sức mạnh hiện hữu, có nét riêng và, nếu tôi có thể nói là xác thực, mà tôi không thể đo lường được cái cường độ, cái năng động, sức mạnh, sự tiến hoá và chu kỳ, thời gian ngưng đọng và tái diễn. Ngược lại, những cảm giác thống khổ mới đang tra tấn tôi lại thuộc về một chủng loại hoàn toàn mới mà tôi chưa bao giờ được biết. Ngược với cái đau đớn mà tôi gọi là hiện hữu xác thực đang đập nát tinh thần và đang xé nát tim tôi, thì những cái đau mà tôi cảm nhận là những tác động tiêu cực làm tan rã ý chí, làm mềm đi hệ thần kinh, làm chậm dòng sinh khí, làm nhu nhược hoàn toàn thể chất và tâm lý của tôi, biến tôi thành một thứ giẻ rách chỉ xứng đáng để ném vào sọt rác. Cái khổ đau này, nó như cơn thuỷ triều đang dâng, tràn ngập và nhấn chìm tôi trong một tình trạng suy nhược và tê liệt, chỉ để lại trong tôi một mảnh ý thức rời rạc đủ để tôi nhận ra cái sức nặng của một khoảng trống rỗng không. Trước đây cuộc sống của tôi thật sống động, cho những bài giảng ở Đại Học, tranh cãi trước Toà Án, viết những bài tham luận, khảo cứu văn chương. Tôi thường có một cảm giác sung mãn, nóng bỏng muốn hành động và biểu lộ ra ngoài. Ngày nay tôi trở nên gật gù trong trạng thái lừ đừ yếu đuối, tưởng như đang trôi dạt trên một biển cả không bờ không bến và bị tan biến trong cái vùng nước mênh mông không động đậy. Ngày xưa, thời gian đối với tôi là một kho tàng quí giá nhất, nó trôi qua quá nhanh ngược lại ý mình, đã làm tôi tuyệt vọng; ngày nay nó chỉ là một chiếc khung hình hoàn toàn không có gì trong đó, hiện ra một khoảng trống không màu sắc, chỉ để làm hư tầm nhìn và tiêu diệt cả ý chí. Tôi căng óc lấp đầy cái hư ảo này với những cảm xúc nghe, nhìn. Tôi phải tìm nhìn chăm chăm vào từng chiếc lá trên cây bên đường, chú mục vào từng kẻ đang bước trên phố, từng cái xe chạy, tôi như một người mù vừa mới tìm được lại ánh sáng, vừa xem xét chăm bẳm từng thực tiễn của cuộc sống, vừa ngạc nhiên trước những điều mới lạ. Nhưng mọi cố gắng đều trở nên vô ích, và sự kiêu hãnh của họ đã ném tôi vào một niềm thất vọng không thể chịu đựng được. Cả thời gian đó, dù tôi đã cố gắng quên mình trong những chuyện tầm phào, nó vẫn tiếp tục làm cho tôi hoang mang lẫn lộn, nó vẫn quấy phá tôi bằng cái rỗng tuếch của nó.
Tôi nảy ra ý nghĩ một mình lang thang khắp phố, tập trung với tất cả chú tâm nhìn ngắm những sinh vật, tất cả các căn nhà, tất cả những hoạt cảnh đang chuyển động, những thứ kết hợp thành bao nhiêu là chuỗi phim tài liệu về đời sống ở thủ đô. Không có một du khách nào đã đẩy trí tò mò của mình đi xa như tôi như thế. Nhưng tất cả những bận bịu, mà tôi hiểu rõ hơn ai hết đó là chuyện vô ích, cũng không cho phép tôi lấp đầy hết khung thời gian của tôi. Tất cả những việc làm vô hồn đó không thể nào thoả mãn một tâm hồn đang khát bỏng những ước vọng chưa thoả, với những nhiệt tình nhất định. Tôi tự so sánh mình với người lữ hành đang băng qua sa mạc, nặng chĩu trên vai một gói vàng và không cầu xin gì hơn là được trao tất cả số vàng kia để đổi lấy một cốc nước.
Tôi lang thang trôi dạt đến khu Ba Đình, nơi mà xưa kia tôi hay đến chơi tennis trong những lúc rỗi rảnh. Vẫn chưa đến giờ tan sở, trên sân vẫn vắng bóng người chơi. Đang ngồi cạnh sân, bỗng nhiên tôi hết sức ngạc nhiên thấy như một cục gì đang lăn tròn dưới chân tôi mà lúc đầu tôi cứ tưởng là một cục len. Đó là một con mèo bé tí chắc mới đẻ vài ngày trườc đây, chắc là mẹ nó, theo thói quen, đã quyết tâm bỏ đi để nó tự một mình khám phá thế giới. Tôi bế nó lên trong lòng bàn tay, dịu dàng vuốt ve nó và tôi cảm thấy nó thật tội nghiệp. Nó và tôi là hai kẻ lạc loài đang trôi dạt bơ vơ trong cuộc đời, cả hai cùng chung cái đói, nạn nhân cùng bị cô lập và sầu não chung một số phận. Sau khi đi một vòng trong khu nhà hỏi xem ai là chủ nó, câu trả lời luôn là không biết, tôi cám ơn sự may mắn hay Đấng Cứu Thế nào đó đã trao cho tôi một người bạn đồng hành bất hạnh và khốn khó để tôi có thể thì thầm chuyện vãn hầu lấp đầy cái khoảng thời gian trống vắng, để cho tôi có một kết nối tình cảm mà tôi không dám đòi hỏi nơi vợ con vì sợ rằng sẽ đào sâu thêm nỗi khổ đau của họ. Giữa tôi và vợ con, sự im lặng là cái hùng biện hơn là những lời nói và nó không làm tuôn thêm những dòng nước mắt. Câu chuyện giống như tôi và con mèo con kia: chỉ cần nhìn nhau trong ánh mắt là quá đủ cho những trao đổi tình cảm.
Trở về nhà, tôi chia cho nó chén cơm trắng của tôi. Tôi rất vui khi thấy nó bằng lòng một chút cơm như thế và nó lên cân khá nhanh. Mỗi khi tôi ngồi thiền hay ngồi mơ mộng bên cạnh cửa sổ, nó leo lên ngồi trên đùi tôi, về đêm nó đến nằm kề bên cạnh. Nhờ đó, tôi bắt đầu bước những bước đầu tiên, bước ra khỏi con đường hầm vô tận của cô đơn, tự cho mình một lý lẽ để sống bằng cách lấp đầy những khoảng trống trong sự hiện hữu của tôi. Tôi không thể đi dạo một mình ngoài đường vì lúc nào cũng có bọn chó săn bám gót phía sau. Tôi không thể ghi danh vào câu lạc bộ tennis Ba Đình vì giá vợt, banh và giày vải để chơi là quá cao với một giá thật điên khùng và tôi không thể nào vươn tới. Nhưng điều làm tôi đau lòng nhất là thấy biến mất những bạn cùng chơi ngày xưa nay kiếm cách tránh và chạy mặt tôi. Sự bỏ chạy của họ như là những cú dao đâm vào tim tôi, tôi không thể nào đóng vai một kẻ vô gia cư hay cùi hủi. Tôi hiểu thái độ những người bạn chơi tennis kia, tất cả đều là những chức sắc cao cấp trong chính quyền, dĩ nhiên là những người của Đảng, là những người luôn luôn lo lắng hơn ai hết về tương lai quan chức và chính trị của mình. Vì thế họ sẽ bị kinh hoàng khi phải bắt tay một kẻ đang bị bệnh dịch và phải chơi một trận tennis với kẻ này. Họ cũng chỉ là con người, với những tâm hồn yếu kém, tôi không thể nào mong họ bớt mất tư cách hơn, bớt hèn hạ, bớt mất phẩm giá hơn.
Con mèo lớn nhanh và nó được tôi dành cho nhiều săn sóc. Nó giúp tôi hoà giải lại với cuộc đời, nó làm nẩy nở trong tôi cái thú vui được có lại những sinh hoạt trí thức, những sinh hoạt ngày xưa đã đem lại cho tôi những niềm vui thanh khiết. Tôi phải làm cách nào để khởi động lại cái máy trí thức của tôi đây? Tôi lượt xét lại tất cả từ năm 1932, năm mà tôi trình luận án Tiến Sĩ Quốc Gia về Văn Chương và Tiến Sĩ Luật. Trong lúc chọn đề tài khảo cứu, tôi dành phần như nhau giữa phương Tây và phương Đông, giữa nước Pháp và Việt Nam. Luận án chính của tôi về văn chương viết về Musset, luận án về Luật viết về cá nhân trong xã hội xưa dưới các triều đình An Nam (Bộ Luật nhà Lê). Riêng về cái luận án bổ túc về Văn Chương, nó nhằm giới thiệu đến công chúng Pháp một tác giả người Pháp đã viết về đề tài “Việt Nam vào cuối thế kỷ 19” tên Jean Boissière. Niềm ưu tư về sự cân bằng và giao hoà giữa hai thế giới đã gây cảm hứng cho tôi trong bốn cuốn sách viết vào khoảng năm 1940. Cuốn thứ nhất, Nụ cười và nước mắt của tuổi trẻ, trình bày cái tâm lý và những sinh hoạt trí thức và xã hội của một cô gái trẻ người Việt, được đào tạo ở Pháp, có trách nhiệm phải xây dựng phương Đông của ngày mai. Chính cái “xây dựng phương Đông của ngày mai” lại là cái cảm hứng để tôi viết hai cuốn sách, một cuốn dành riêng viết về những giá trị của Pháp: Những viên ngọc của nước Pháp và cái khác với những giá trị vùng Địa Trung Hải (Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp), một cuốn là Bước đầu của Địa Trung Hải. Tác phẩm thứ tư là một vở kịch mang lên sân khấu cái xung đột, trên khía cạnh tình cảm, giữa một kẻ du hành hiện thân cho phương Tây với những nhu cầu hay di động và thay đổi, và một cô gái tiêu biểu cho tình cảm qua sự trung thành và bền vững: “Cuộc hành trình và tình cảm”.
Từ năm 1940 đến 1945, nhiều xáo trộn cực kỳ nghiêm trọng đã xảy ra trên thế giới và ở Việt Nam: từ nay, nước Pháp không còn tập trung vào những hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam nơi mà Cách Mạng cộng sản đã thắng thế từ năm 1945 và đang điều hành nhân dân. Từ 1945 đến1956, tôi và gia đình bỏ vào bưng cùng tham gia Kháng Chiến chống thực dân. Khi trở về Hà Nội, tôi trở lại đi dạy Văn Chương ở Đại Học và mở lại văn phòng Luật Sư ở Hà Nội. Tôi được bổ nhiệm, nhờ Đảng ban ân huệ và cũng chẳng phải do tôi xin, ngồi trên ghế của Uỷ Ban Trung Ương của mười tổ chức quần chúng. Từ năm 1958, vì đứng ra bảo vệ cho dân chủ, tôi đã bị tước bỏ mọi nhiệm vụ; tôi đã nhắc lại những diễn biến này trong phần đầu của cuốn sách này.
Đó là những sinh hoạt trí thức của tôi từ 1932 cho đến ngày hôm nay. Giờ đây tôi sẽ phải bám víu vào thế giới nào đây? Đó là một điều cực kỳ quan trọng. Cái vấn đề chính yếu mà tôi đã dựa vào để làm căn cơ cho cả cuộc đời trí thức của tôi là điểm gặp nhau giữa Đông và Tây, ngược với luận đề của Rudyard Kipling là chối bỏ cái khả năng đó. Tôi tự cho mình cái công việc là lo giúp sự hiệp thông qua lại của hai thế giới, trên cơ sở đó hai bên có thể thực hiện cuộc gặp gỡ. Mỗi thế giới đều có một thang giá trị riêng, đôi khi kình chống lẫn nhau. Sự gặp gỡ, trên cơ sở của sự thông cảm lẫn nhau, sẽ kéo theo việc bên này giúp đỡ bên kia để bổ sung lẫn nhau và cùng đào luyện để mang những lợi ích chung cho nhân loại. Chính theo hướng đó mà tôi đã đặt hết suy tư để hoàn tất tác phẩm của cuộc đời tôi.
Nhưng phương Đông, đặc biệt là Việt Nam lại va phải một số khó khăn trong việc đi tìm những giải pháp cho những vấn đề cấp bách và quan trọng. Thí dụ như vấn đề đào tạo con người mới. Ở Việt Nam nhiều lần cải cách về giáo dục vẫn chưa mang được gì thoả đáng. Có lẽ nên cần thiết hoàn toàn xoá bỏ và làm lại tất cả những quan niệm chính trị, nhưng đảng cộng sản Việt Nam sẽ nhìn với con mắt rất xấu những ai nêu lên cách đó như một giải pháp cho việc cải tổ giáo dục. Có lẽ phải làm cho các vị lãnh đạo nghiền ngẫm về những tư duy về sư phạm của Pháp, chỉ trong hai thế kỳ, từ Érasme đến Rousseau, đã thành công đào tạo con người, nói đúng hơn, con người trí thức hiện đại, thiếu họ cuộc cách mạng Khoa Học Kỹ thuật không thể nào thành công. Công việc nghiên cứu của tôi là nhắm vào điểm này.
Một vấn nạn có tầm cỡ khác là giới trí thức Viet Nam phải giải quyết thế nào về cái quan hệ giữa chính trị và văn học. Rất nhiều văn nghệ sĩ không thể chấp nhận cho chính trị quản lý chi phối những sáng tác văn học. Đảng đã tuyên cáo rằng chính trị phải đứng ra quản lý văn chương và mục đích của văn chương là phải phục vụ chính trị trong những đường lối chung và những đường lối riêng của Đảng. Tất cả những nhà văn vâng theo nguyên tắc này đều nhận được công danh và bổng lộc, cho mình và cho cả những người trong gia đình. Nhưng đa số những người khác thì nhăn nhó mà theo hướng này. Như vậy vấn đề cũng quan trọng như việc đào tạo con người. Như vậy, rất cần thiết cho tôi được đưa ra những suy nghĩ về vấn đề kia. Không phải để nhắm làm thay đổi những kẻ ương ngạnh đã dính luận cương của Đảng, tôi cảm thấy có điều ích lợi để trình bày cho độc giả về vấn đề đã được giải quyết thế nào dưới thời Cổ Đại Hy Lạp và thời Cổ Đại La Tinh.
Hy Lạp thời cổ đại đã đưa ra mẫu mực của Eschyle (Aiskhylos), một trong những bậc thầy về bi kìch Hy Lap, mà những tác phẩm đều được chính quyền và nhân dân ngưỡng mộ và trọng nể. Thật không có gì quan trọng khi chính trị thích nghi với văn chương hay ngược lại. Cái hiển nhiên là tác phầm của Eschyle là đượm mùi thơm của chính trị, là niềm vinh quang của nhân dân đã đánh thắng giặc ngoại xâm. Người đọc Việt Nam ta sẽ tìm thấy trong đó tiếng vọng của niềm vinh quang của chính chúng ta.
Một hình ảnh tương tự được thấy trong tác phẩm Virgile (Vergilius). Đường lối chính trị của Auguste là thúc đẩy sản xuất nông nghiệp; như thế vai trò nhà thơ là ca tụng vẻ đẹp của nông thôn, viết nên những vầng thơ của nông nghiệp. Auguste còn đưa ra một đường lối chính trị hoà hợp và đoàn kết để củng cố nền tảng của vương quốc sau khi gầy dựng nên nó. Việt Nam ta có lẽ có cùng hoàn cảnh như thế, trong những vinh danh tán dương về nền nông nghiệp cũng như trong đường lối chính trị của mặt trận dân tộc cho Tổ Quốc.
Cuối cùng là tuyệt phẩm của Eschyle: vở kịch bộ ba Oresteia cũng đáng cho Việt Nam quan tâm, vì tác giả đã nêu lên chuyện trả thù cá nhân được chuyển biến thành chuyện trừng phạt bằng pháp lý của Nhà Nước, và, một mặt khác, từ những nhóm trùm buôn nô lệ tiến đến một nền dân chủ có nô lệ. Nền dân chủ bắt đầu thăng hoa và nhận sự giúp đỡ của thần Hoà Bình, những Erinyes, thần Báo Thù, tất cả được biến hình thành những Euménides là những thiên thần của dịu ngọt và lòng nhân.
Để giúp mình vượt qua những dằn vật của sự trống trải đã thấm nhập vào con người tôi làm tôi trở nên tê liệt trong bạc nhược và rầu rĩ. Cái suy nghĩ cả ngày lẫn đêm dẫn tới việc tôi định ra một chương trình làm việc mà theo tôi ước tính là có thể kéo dài đến hai mươi năm.
Như vậy, trong cái khung suy niệm về chỗ gặp gỡ giữa Đông và Tây, để theo đuổi chủ tâm của tôi là làm sao cung cấp vật liệu của phương Tây cho một công trường phương Đông, tôi nhấn mạnh đến những cống hiến của nền văn minh Cổ Đại của Hy Lạp và La Tinh. Những cống hiến này có thể là rất bao la, nên tôi chỉ chọn những gì có liên hệ trực tiếp đến thời sự Việt Nam, và chính xác hơn là những đóng góp đặt ra cho trí thức và giới nhà văn. Và cũng như, trong những năm dài trong mật khu, người ta đã đề nghị chúng tôi học tập về chủ nghĩa Marx, với tôi đấy là cơ hội ngàn năm một thuở để đưa vào áp dụng những gì trong chủ nghĩa Marx để giúp tôi hiểu nhiều hơn sự tiến triển của xã hội và sự xuất hiện của những biến cố lịch sử.
Sau rốt, vì các nhà lãnh đạo Việt Nam là những người đầu tiên quan tâm đến những nghiên cứu của tôi nên chúng được tôi viết bằng tiếng Việt chứ không bằng tiếng Pháp.
Bốn tác phẩm đã hoàn tất sau những cố gắng của tôi:
1) Những chủ thuyết về Giáo Dục của Âu Châu từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII (Erasme đến Rousseau);
2) Eschyle và bi kich của Hy Lạp;
3) Bản dịch tiếng việt của tác phẩm Oresteia của Eschyle, với một chương nghiên cứu dùng như lời giới thiệu;
4) Virgile và sử thi Hy Lap.
Mỗi tác phẩm gồm chừng 500 trang máy đánh chữ. Tôi đã gửi một bản sao cho các Uỷ Ban của Trung Ương Đảng (Uỷ Ban Giáo Dục và Uỷ Ban Văn Hoá Nghệ Thuật); tôi đã nhận được những lời khen ngợi và được giấy phép ấn hành. Rủi thay, những cơ quan ấn hành, nơi mà tôi giao các bản thảo, đều từ chối vi họ không có ngân sách để in chúng. Tôi đành chịu thua. Thât là cộng sản.
Tôi đã lên kế hoạch là sẽ làm việc một thời gian dài, chẳng cần bận tâm muốn biết là tôi có thể hoàn tất nó trước khi tôi chêt hay không. Hai mươi năm nữa thì tôi đã sáu mươi lăm. Biết tôi còn sống đủ lâu để đạt tới mục đích của tôi không? Chẳng quan trọng, cái thiết yếu của tôi là làm sao phá vỡ cái khoảng không vô tận đang níu chặt lấy tôi, thoát ra khỏi cái chán nản làm suy nhược con người mà tôi đang bị dính nhựa, tiêu pha thời gian ngâm mình trong những dòng nước cứu giúp của một sinh hoạt có ích và say mê. Nỗi khổ đau dai dẳng của tôi xem như chấm dứt, và chắc chắn là tôi đã lấy lại nét mặt vui tươi vì vợ và con gái tôi không còn khóc khi nhìn chăm vào mặt tôi. Góp vào cái âu yếm của vợ con là cái nũng nịu của con mèo nay đã lớn trông thấy, khoanh mình nằm trên đầu gối tôi khi tôi đang ngồi làm việc và cọ sát cái đầu nó vào chân tôi khi tôi đứng dậy. Con vật thật đáng thương! Nó thiếu tất cả các thứ mà những con mèo đang vênh vang trong phòng khách của các ông lớn ngập đầy: mẩu thịt, chút sữa hay chút canh gà. Tôi thì thầm vào tai nó rằng nó đã được sinh ra dưới một ngôi sao xấu vì nó đã rơi vào nhà của một kẻ bị mất phép thông công, ông ta cũng thế, keo kiệt từng miếng cơm, lấy cớ là để giữ gìn “đường nét” như một cô gái đẹp có lẽ đang cố gắng cho lần chinh phục sắp đến. Tôi đã ép con mèo phải tự chăm lo đường nét của nó, đề gìn giữ cái dáng vẻ thanh tao của giống mèo, khi nó phơi bộ xương sườn ốm nhách trên tấm chiếu, đặt dưới sàn nhà, nơi mà nó dùng như bàn ăn. Như một nhà thơ đã kêu gào: “Ôi lao động, cái luật thanh thản của thế giới!”, chính sự làm việc đã cứu tôi: tôi như được sống trong môi trường của mình, tôi như con cá được vẫy vùng trong nước. Tôi làm sống lại niềm vui sống và niềm vui này sẽ không bao giờ ra khỏi tôi, dù chỉ trong chốc lát, cho tôi được hít thở không khí của trời đất và thời gian.
Việc bán tài sản của tôi hết món này đến món khác đã giúp chúng tôi một ít tiền bạc, cái ít ỏi mà nhờ đó chúng tôi có những bữa ăn đạm bạc hằng ngày. Số chén cơm cho cả ba chúng tôi, bữa trưa và buổi tối, đã được nâng lên con số 12 và phần rau cũng được nâng lên. Thật là một bữa tiệc cho chúng tôi ngày Chủ Nhật, khi tự cho phép mình mỗi người một trái chuối! Tình trạng bị cô lập chúng tôi vẫn thế: không ai trong dòng họ dám gõ cửa nhà tôi và không một người bạn nào thoáng qua cửa sổ. Tất cả họ đều đi vòng để tránh phải đi qua con đường chúng tôi ở. Tôi không ra khỏi nhà nữa, cũng không ra khỏi cái bàn làm việc của tôi để loại cho những người quen một cuộc gặp gỡ mà họ sợ còn hơn là sợ ngọn lửa của địa ngục.
Dù thế, tôi không biết họ làm cách nào, những người bạn xa gần vẫn không quên tôi. Nhiều lần, khi tôi mở cửa nhà buổi sáng, tôi chợt thấy nhét dưới cánh cửa là một phong thư nhồi đầy giấy bạc. Chúng tôi khóc vì xúc động và chúng tôi tuyệt vọng vì không biết làm cách nào để tỏ lòng biết ơn những ngưới đầy lòng tốt mà chúng tôi không hề biết tên! Nhiều lúc, khi màn đêm buông xuống, vào lúc trời còn nhá nhem, có những lần tôi làm vài bước đi dạo ngoài đường. Bọn cú vọ lẽo đẽo một khoảng cách phía sau, nhưng rất khó cho chúng nhận ra mặt của những người, đạp xe ngang qua rất nhanh, vội vàng nhét vào tay tôi một phong thư hay một gói nhỏ. Chả thấy, chả biết! Tất cả những thao tác ấy xảy ra chớp nhoáng: mấy tay công an chỉ kịp thấy ánh đèn xe đạp nhấp nháy!
Tất cả những cử chỉ hào phóng mà tôi là kẻ được hưởng làm tôi suy nghĩ. Tôi nhận thấy cái bất lực của nhà cầm quyền trong việc ngăn những tin tức được truyền đi. Họ đã quyết định tước bỏ vĩnh viễn quyền công dân của tôi, ngăn cấm mọi liên lạc của tôi với thế giới bên ngoài. Trong nước, cái sợ hãi bị trừng phạt, trực tiếp hay xa gần, đã đánh gục những kẻ ngây thơ hay bạo gan dám liên lạc với một loại «bị bệnh dịch» như tôi, xoá sạch những tấm lòng đầy thiện ý. Dường như với tôi, bị cô lập cả trong và ngoài nước, cái chết tự nhiên sẽ tiếp nối không sớm thì muộn cái chết dân sự kia. Nhưng cái hy vọng đó xem ra là vô ích. Những tin tức dù bí mật nhất rồi cũng sẽ thoát ra ngoài xã hội, chúng lan truyền với tốc đô chóng mặt, nhờ những phương tiện truyền thông hiện đại và bởi cái tác động của tính tò mò mà mọi người đang cháy bỏng muốn biết những gi đang xảy ra ngầm trong hậu trường chính trị.
Tôi sẽ vén lên cái bất lực thứ hai của nhà nước: Có thể chăng họ không muốn cái chết của tôi, một cái chết mà họ không muốn bị bẩn tay và cẩn thận tránh không bị nhân dân quy trách nhiệm, nhưng họ sẽ không được nhìn cảnh tượng biến mất của tôi bằng cặp mắt thiếu thiện cảm. Họ đã dùng mọi thủ đoạn để loại bỏ một trong những giống trí thức tồi tệ này: bằng cách chối bỏ bất cứ phương tiện kiếm sống nào của người này. Tôi và gia đình không chết vì đói: chúng tôi quá khổ đau vì đói, mất hàng kí thịt trong cơ thể, trên mặt chúng tôi là những vết tích của cái bụng lõm sâu và cái bao tử trống không, nhưng chúng tôi chịu đựng được! Tiền thu được của những lần bán liên tiếp các tài sản giúp chúng tôi kéo dài những ngày dật dờ trong nhiều năm nhưng chúng tôi không cho phép những kẻ căm ghét chúng tôi được vui khi hay tin chúng tôi chết. Và, vào những khi chúng tôi cạn kiệt tiền bạc thì lòng hào hiệp của những người bạn trong nước hay đang ở nước ngoài ném cho chúng tôi những chiếc phao cứu hộ giúp cho chúng tôi nổi trên mặt nước thay vì phải chìm sâu đến tận đáy sâu của hư không. Nhiều người bạn trong nước cũng như ở Pháp, sau bốn mươi năm bặt tin, cứ tưởng rằng tôi đã bị gạt tên khỏi danh sách của những người còn sống. Nhưng tôi đã trả lời cho họ: “Tôi là một loài cỏ dại. Người ta có thể bước lên nó, đạp bẹp nó nhưng một khi có một giọt sương mai, giọt nước mưa hay một dòng nước mắt rớt xuống, nó lại bừng dậy mỉm cười trước ánh sáng mặt trời”. Nguồn sống của chúng tôi, bắt đầu khô cạn sau khoảng chục năm, lại được đong đầy bởi những dòng thác sôi sục của lòng hào hiệp của những người bạn, những người quen trong nước và trên thế giới. Họ là những kẻ không tên, không biết mặt nhưng không phải là không thận trọng, đã sáng tạo ra những phương cách tài tình chế nhạo tất cả những kẻ cầm quyền trên thế giới, bất kể cái hung tàn đần độn và cái cảnh giác gay gắt của chúng. Họ đã chung tay làm nên một mặt trận không chính thức nhưng năng động, mặt trận của lòng trắc ẩn và sự tử tế, để đưa bàn tay cứu giúp những nạn nhân của bọn độc tài khát máu. Cái nhiệt tình của họ sinh động là nhờ lòng vị tha và lòng vô tư đã gạt qua tất cả những toan tính của ích kỷ. Cái mục tiêu mà họ muốn đạt đến có hai khuôn mặt: một mặt là tinh thần nhân đạo và tình anh em giữa những người trí thức, mặt kia là cái kinh hoàng của những kẻ bạo ngược và sự tàn bạo. Cuộc chiến đấu của trí thức tiến công chống lại cái độc tài mù quáng và vô nhân đạo, bởi lẽ kẻ độc tài đã ra tay đoạ đầy người trí thức kia! Một trí thức, trong cái liêm chính của con người và với cái minh mẫn trong tinh thần, là một người lính chống lại sự chuyên chế chuyên lập đi lập lại những lời hứa hão huyền và sự bất lực đã phải cầu cứu đến đến sức mạnh của công an để giữ vững ngai vàng cua họ.
Sau hai mươi năm, tôi đã hoàn tất công trình mà tôi tự đặt cho mình. Nhờ sự đồng hành của Montaigne, Rousseau, Eschyle và Virgile, tôi đã thoát ra khỏi sự cô lập và nỗi cô đơn của tôi, tôi như nở hoa trước ánh nắng của sáng tạo và dưới ánh mặt trời của tự do trong lòng tôi. Từ 1958 cho đến nay, gần bốn mươi năm hiện hữu, tôi đã sống qua những thử thách tồi tệ nhất mà người ta có thể gán cho một trí thức, một con người. Nhưng đó lại là những năm tuyệt vời mà tôi biết được. Tôi như được thăng hoa, sung sướng là đã thắng những nghịch cảnh mà người ta đã đưa ra để chận con đường sống của tôi, đã điều khiển những sinh hoạt của mình hướng theo sở thích và sự chọn lựa của mình và cống hiến những khả năng khiêm nhường của tôi cho dân tộc. Ý chí của tôi đã thắng những tâm địa độc ác và đồi bại của những kẻ đã thề phải hạ gục được tôi. Nhưng tôi vẫn tha thứ cho họ bằng cách lập lại câu nói bất hủ: «Chúng cũng không biết chúng đang làm gì!». Người ta sẽ quên đi Cinna, nhưng sẽ nhớ mãi August [1] và lòng khoan dung quảng đại của ông ta.
Năm 1989, vào tuổi tám mươi của tôi, những người bạn Việt Nam và Pháp mời tôi làm một chuyến viếng thăm Pháp. Sau Đại Hội VI Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, lần đầu tiên trong lich sử của họ, đã tuyên bố chấp nhận chủ nghĩa tự do còn hôi sữa, tôi lợi dụng cơ hội xin chiếu khán đi Pháp. Tôi cũng không mong mỏi đơn xin của tôi sẽ được chấp thuận, nhất là đối với một người mà hồ sơ chính trị lại dầy cộm như của tôi. Thật là bất ngờ đến sửng sốt, sau đâu chừng hai tháng chờ đợi, tôi nhận được cả hộ chiếu lẫn chiếu khán để đi Pháp. Rủi thay, chính phủ Pháp đã kéo nhiều tháng dài mới cấp chiếu khán nhập cảnh cho tôi. Thiệt tình! Thế giới đã bị lộn ngược.
Tôi xuống máy bay ở phi trường Orly vào một buổi chiều Tháng Mười. Những người bạn Việt và Pháp đã dành cho tôi một cuộc đón tiếp thật cảm động. Sau sáu mươi năm, tôi tìm lại tổ quốc của tri thức của tôi, cùng lúc với một sự hiếu khách đầy tinh tế và ân cần của những trái tim vàng. Cái cơ thể đã suy nhược bởi bốn mươi năm thiếu thốn về vật chất và khốn khổ về tinh thần đã xỉu ngã quỵ ra sàn. Đây là lần thứ nhất trong đời, ở tuổi tám mươi, tôi nhập viện vào một nhà thương của Pháp và nhận được những chăm sóc hết lòng. Mười ngày sau, tôi liên lạc lại với bạn bè và tiếp tục những sinh hoạt. Tôi được đài truyền hình TF1 phỏng vấn. Tôi đã làm hai cuộc hội thảo, một ở Clermont l’Herault, gần thành phố Monpelier, nơi mà ngày xưa tôi đến thu thập tài liệu về ông J. Bossière cho đề tài của luận án bổ túc Tiến Sĩ Quốc Gia về Văn Chuong của tôi; và một Đại Học Sorbonne ở Paris VII. Tôi đã đến thăm thủ lãnh Luật Sư Đoàn Paris.
Một biến cố quan trọng, vượt khỏi sự mong đợi của mọi người, đã bất ngờ cuốn hút chú ý của tôi, là cuộc nổi dậy của nhân dân các nước Đông Âu. Mỗi ngày, tôi theo dõi hàng giờ trên truyền hình và báo chí và cố gắng tìm hiểu cái gì muốn nói lên khi quần chúng đang gào lên những khẩu hiệu căm thù cộng sản và đã ném xuống chân ngai vàng những tên lãnh đạo và chúa tể cùng một giuộc, những kẻ, vì sự ngu đần của đầu óc, vô nghĩa trong nhân cách, thiếu vắng những khả năng để lèo lái đất nước, đã theo bước chân của Stalin, và đã mòn gối quần quỳ lạy tung hô Lenin va Stalin! Suy nghĩ thật kỹ, những ai đã quan sát và nghiên cứu về chủ nghĩa cộng sản, qua những áp dụng thực tiễn của nó hơn là những gì trong những bài học lý thuyết của nó, sẽ nhận thấy là sẽ rất khó cho các nhà lãnh đạo còn giữ được vị trí của họ trong hệ thống hành chánh ở một nước, trong chính phủ gọi là của nhân dân, bởi lẽ chính họ đã trâng tráo phạm pháp ở những nơi này mà không bị hề hấn gì, những định luật của kinh tế học và đã chà đạp hung bạo lên những nhu cầu hằng ngày, những niềm tin gốc rễ của con người. Cứ theo chiều hướng đó, họ còn có thể đứng vững bao lâu nữa trên một sự mất cân bằng cơ bản? Nhưng không ai có thể ngờ rằng sự sụp đổ của nó đến nhanh như thế. Nhiều ký giả đến hỏi thăm ý kiến của tôi về những biến cố có thể xảy ra ở Việt Nam. Họ hỏi tôi: «Ông nghĩ bao giờ thì chế độ Việt Nam sẽ sụp?» Tôi trả lời họ: «Tôi không làm nhà chiêm tinh và cũng không tham khảo mấy lá bài tây. Kiên nhẫn, kiên nhẫn đang ở trên trời, mỗi hạt li ti của yên lặng là cơ hội cho một trái cây chín tới!».
Đã sống đến tuổi tám mươi trong lòng tổ quốc, tôi bắt đầu nhận biết nhân dân Việt Nam. Nhờ sống bốn mươi năm dưới địa ngục cộng sản, cuối cùng tôi cũng hiểu đưọc những người đã thực hiện chủ thuyết đó. Tôi cho là một cuộc cách mạng bằng bạo lực là không đúng lúc, không hiệu quả và không nên có vì nó sẽ phát sinh ra những biến động phi thường, những hỗn độn không thể dập tắt, mà cả dân tộc sẽ khóc ra máu.
Cái tiêu chuẩn hợp lý và lô gic là tài năng phải đi song hành với đạo đức, vì lẽ nếu người trí thức tràn đầy tài năng mà đạo đức của họ vẫn chưa gợi được sự tin cậy. Họ hư hỏng vi chủ nghĩa cơ hội, lòng ích kỷ và tính kiêu ngạo của ho. Những kỹ nghệ gia và thương gia đã gặt hái được tài sản và tích luỹ được kinh nghiệm trong lãnh vực kinh doanh và kinh tế, nhưng nhiều khi họ rất cận thị trong chính trị, thường hay thiếu sự điềm tĩnh và khôn ngoan. Lòng yêu nước và tính trung thực là hai đức tính được quý trọng nhất, nhưng tài sức phải được sinh ra từ một văn hoá trí thức và khoa học. Có đảng phái chính trị nào mà không mong có trong hàng ngũ của mình những người kết hợp được văn hoá trí thức và khoa học cùng với lòng yêu nước và tính trung thực? Ngay cả khi vấn đề đa nguyên đa đảng, chuyện đã làm tốn bao giấy mực và nước bọt, chuyện mà đảng cộng sản phản đối kịch liệt với một sự bền bỉ không thể hiểu nổi, được tuyên cáo và công nhận, người ta cũng chưa biết được đảng nào có thể đạt được trong tức thời số lượng phiếu bầu phổ thông đủ để có thể thành lập một chính phủ cho cả nước.
Một lý do khác mà chúng ta phải ghi nhận. Dù có ghét hay thương cộng sản, mình cũng phải công nhận rằng những người lãnh đạo nó đã phải chịu đoạ đầy vì lòng yêu nước của họ. Những thế hệ kế tiếp và những người nối nghiệp thì không thể tự hào là có cùng cái hào quang đó. Dù vậy, trong số những kẻ kế thừa vẫn có những người mà lòng trung chính, dù thiếu khả năng, vẫn xứng đáng để chúng ta ngả mũ chào, còn bao nhiêu kẻ khác chẳng có chút khả năng nào lại thêm thiếu đạo đức nhưng hết mực bám vào Đảng vì Đảng đã tổ chức và bảo vệ quyền lợi cá nhân của họ. Những tay cộng sản đó hết sức quyết tâm chiến đấu đến chết cho Đảng. Cuối cùng, trong quần chúng người ta thấy hàng trăm ngàn người như thế, trong quân đội, trong nhà máy, trong tầng lớp nông dân, là những người đã hưởng một sự giáo dục tư tưởng trong nhiều năm, nhưng lại không có văn hoá, thiếu đầu óc phán xét và tinh thần phê bình và lại sa vào sự cuồng tín, có niềm tin sắt đá vào những sự thực được dạy bởi Đảng và sẵn sàng đổ máu, và nếu cần cả tính mạng để bảo vệ cái Đảng của Hồ Chí Minh, chống lại mọi kẻ đối nghịch và kẻ thù nào muốn lật đổ họ hay tiêu diệt họ. Quân đội một bên, một bên kia là hàng triệu kẻ cuồng nhiệt và kẻ cuồng tín, hai thành trì cò thể tiêu diệt mọi đám người muốn đến giải phóng Việt Nam. Họ phải ngưng tự ảo tưởng về mình, phải ngưng trò Don Quichotte.
Cái bí mật của dân chủ là nằm ở sự vận hành của nó, trong việc phán đoán những quyền tự nhiên và những tự do của con người, vì thế nó đòi hỏi phải có một sự hiểu biết tối thiểu về quyền công cộng và luật pháp quốc tế. Những điều kiện của dân chủ là có quan hệ đến kinh tế của nước liên hệ mà sự thịnh vượng, dù đã bị giới hạn, là rất cần thiết cho sự thành công của nó, cho niềm vui hưởng những quyền tự do và những quyền của con người. Đối với những gì mà cộng sản đã tuyên truyền cho chủ nghĩa Marx - Lenin, người ta cũng phài làm như thế để quảng bá dân chủ. Muốn áp dụng dân chủ, chúng ta cần phải học những nguyên tắc và tổ chức những định chế cho phép sự vận hành nó. Bản chất của dân chủ, trong ý nghĩa sâu sắc và cái tác dụng toàn diện của nó, dân chủ gồm hai nội hàm không thể phân ly, cái này dính với cái kia: đó là nội hàm ‘Chính phủ do dân’ và nội hàm ‘Chính phủ vì dân’. Thật là xấu hổ nếu cứ mưu mẹo lập lờ trên chữ nghĩa và cho rằng ‘Chính phủ cho dân’ là đủ. Đó là điều bịp bợm. Nếu nhân dân không hành động và kiểm soát thì không một ai có thể thay thế vào chỗ của họ. Dưới danh nghĩa là làm CHO dân, họ đã phạm bao nhiêu điều bỉ ổi và đã lấy những quyết định gây thiệt hại ít nhiều cho quyền lợi của nhân dân.
Nhân dân có quyền đặt cho Nhà Nước vài câu hỏi: trước đợt thuỷ thiều đang dâng của dân chủ và chủ nghĩa tự do, tại sao các ông cứ cứng đầu chối bỏ cái hiện thực và các ông cứ bám chặt một cách tuyệt vọng vào cái tôn chỉ đã lạc hậu không còn cứu vãn được gì nữa ? Giữa chủ thuyết của các ông và quyền lợi của Tổ Quốc vá Nhân Dân, các ông nghiêng về phía nào ? Những đoá hoa đang cắm ở bình, hoa mà các ông đã du nhập từ nước ngoài vào, nay đã héo tàn. Cho đến bao giờ các ông không còn khư khư yêu mến cái xác ướp không bao giờ còn có thể hồi sinh được nữa ? Và, nhất là hãy giải thích cho nhân dân tại sao các ông lại căm ghét sự đa nguyên đa đảng như thế! Thật xấu hổ khi thấy những kẻ cuồng tín gồm một phần lớn là những người đã nhận sự giáo dục và lệnh của các ông, và số còn lại là những con cừu thiếu văn hoá, không chút gì hiểu biết về thực tiễn của thế giới, ù lì không thể thấm hiểu được những đổi mới, những thay đổi. Tới nay thì các ông cũng buộc phải thú nhận cái thất bại tả tơi trong xã hội và chính trị, nơi mà cái độc quyền chính trị đã cho phép một sự phình to của quyền lực, mở cửa cho một sự bùng nổ của ích kỷ; đạo đức của những người có quyền có thế càng ngày càng suy sụp và mức phạm tội hình sự của họ càng ngày càng tăng với một tốc độ chóng mặt. Các ông phải công nhận thêm rằng, trong lãnh vực kinh tế, các ông đã chịu một thảm bại không thua gì cái thảm bại của trận Waterloo. Bởi cái ngu dốt và thói con vẹt của các ông đã dẫn dắt các ông theo gương của những ông anh, các ông đã khinh thường khoa học và thực tiễn, nói một cách gọn là những định luật khoa học. Kết quả không cần phải chờ lâu: sự sụp đổ, đẩy cả nền kinh tế duy y chí vào đổ nát, hàng triệu người lao động tay chân và trí óc bị buộc phải thất nghiệp và khổ sở kinh hoàng và nền kinh tế của cả nước với ước vọng là sẽ cất cánh, nhưng lên khỏi mặt đất là chỉ những khu vực không đáng kể như công nghiệp nhỏ, thủ công mỹ nghệ và nông nghiệp, và cho thấy không thể bay cách nào hơn là cứ la đà trên mặt đất ! Nếu, những gì liên quan đến những gì về xã hội, chính trị và kinh tế, là một sự sụp đổ hoàn toàn, thì thứ gì còn lại được an toàn vô sự trong một đất nước mà những nền tảng đã sụp, và, mà sự phân rã không thể che dấu được? Âm điệu rỗng tuếch của những lời tuyên bố và những lời hứa làm tức tối những người đang bị dính vào nỗi khổ đau không dứt, những người đang tự hỏi tại sao Đảng không áp dụng cho chính họ điều mà họ đã dạy «Một tội tự thú là một tội đã được giảm 50% án phạt». Làm thế nào những người cộng sản để giài quyết tình trạng xung đột quyền lợi của Đảng và quyền lợi của Dân Tộc và Tổ Quốc ? Quyết định của quý ông sẽ là cơ sở để Dân Tộc và Lịch Sử dùng để phán xét các ông và Đảng của các ông.
Công luận nhận thấy các ông đã làm một bước tiến trên con đường «đổi mới». Như thế là các ông bắt đầu thú nhận cái thất bại của các ông. Nhưng các ông, cũng như nhân dân Việt Nam, có bằng lòng về giải pháp nửa chừng chỉ có một số tác động điều trị trên một vài lãnh vực được chỉ định, trong khi cơn bệnh đã tấn công toàn cơ thể của quốc gia và cơ cấu của nó? Các kiêu hãnh về những hy sinh đáng kể trong đời mình mà với chúng các ông tỏ lòng biết ơn Đảng. Chủ nghĩa anh hùng của các ông có làm cho các ông dám hy sinh Đảng của quý ông trên bàn thờ của Tổ Quốc và Nhân Dân? Đất Nước và Nhân Dân Việt Nam đang chờ câu trả lời của các ông.
Hà Nội ngày 13 tháng 5 năm 1991
Nguyễn Mạnh Tường [*]
____________________________
[1] Cinna và August là hai nhân vật trong vở kịch Cinna ou la Clémence d'Auguste (Cinna, hay sự ân xá của đại đế Augustus). Cinna nghe lời người yêu là Émilie mà rắp tâm mưu sát vua để trả thù cho cha của Émilie bị vua giết tội. Mặc dấu mưu đồ bị lộ, Cinna và Émilie không bị trị tội mà được vua August ân xá và ban chức tước.
[*] Luật sư Nguyễn Mạnh Tường sinh năm 1909 tại phố Hàng Đào, Hà Nội. Ông theo học tại trường Albert Sarraut và đỗ tú tài năm 16 tuổi. Sau đó du học tại Đại học Montpellier ở miền nam nước Pháp năm 1927. Khi mới 22 tuổi ông trở thành người Việt đầu tiên đỗ hai bằng tiến sĩ tại Pháp: Ưu hạng Luật khoa (Luận án: L'individu dans la vieille cité annamite, Code des Lê. D.E., Droit, Montpellier, Imp. de la Presse Montpellier 1932) và Tiến sĩ Quốc gia văn chương (với luận án L'Annam dans la littérature française, D.E., Lettres, Montpellier 1932). Báo chí thời ấy đã coi người thanh niên Việt Nam trong một năm đỗ 2 bằng tiến sĩ là hiện tượng chưa từng có trong nền giáo dục đại học Pháp. Bạn tri âm của ông là Nguyễn Văn Huyên, người cũng làm luận án Tiến sĩ Văn khoa tại Pháp.
Trở về Việt Nam năm 1936, Nguyễn Mạnh Tường dạy văn học Pháp ở trường Trung học Bảo hộ (Lycée du Protectorat), hay còn gọi là trường Bưởi (từ 1945 đổi tên thành trường Trung học Chu Văn An). Bất mãn với chính sách kỳ thị của Pháp khiến ông bỏ dạy và mở văn phòng luật sư tại hai biệt thự số 1 và số 2 phố Mai Xuân Thưởng. Về sau gia đình đã hiến tất cả cho Nhà nước, làm trụ sở cơ quan tiếp dân của Thanh tra Chính phủ.
Trong thời gian tham gia kháng chiến chống Pháp ông làm luật sư và dạy học tại Thanh Hoá và khu ba nói chung, giữ chức vụ Phó Giám đốc Trường Sư phạm cao cấp liên khu Bốn. Đến khi hòa bình lập lại năm 1954, ông trở về Hà Nội, là giáo sư trường Đại học Văn khoa (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội).
Sau 1954 ông giữ các chức vụ Trưởng khoa Đại học Luật Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch Đoàn Luật sư, Phó Trưởng khoa Đại học Sư phạm Hà Nội; thành viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên của Hội Hữu nghị Việt-Pháp, Hội Hữu nghị Việt-Xô và Uỷ ban Bảo vệ Hoà bình Thế giới, sáng lập viên Câu lạc bộ Đoàn Kết, Phó hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chuyên viên nghiên cứu giáo dục. Ông tham gia phái đoàn chính phủ dự hội nghị trù bị Đà Lạt, dự các hội nghị hoà bình thế giới ở Bắc Kinh và Vienna.
Đoàn đại biểu Việt Nam đi dự Hội nghị Hòa Bình ở Vienne (1952): Người đứng giữa ôm cặp là Ls. Nguyễn Mạnh Tường
Trong số ra mắt ngày 20 tháng 9 năm 1956, bán nguyệt san Nhân Văn đã đăng ngay trên trang nhất bài "Chúng tôi phỏng vấn về vấn đề mở rộng tự do và dân chủ". Người được phỏng vấn đầu tiên là luật sư Nguyễn Mạnh Tường. Ông nêu hai nguyên nhân khiếm khuyết về dân chủ thời bấy giờ:
a. Đảng viên Lao động và cán bộ thi hành chính sách thiếu tinh thần dân chủ. Do đó xa lìa quần chúng, và tạo ra tình trạng đối lập quần chúng với mình. Để sửa đổi, cần xây dựng quan điểm quần chúng cho đảng viên và cán bộ, và yêu cầu Trung ương Đảng và Chính phủ đảm bảo sự thi hành triệt để các tự do dân chủ.
b. Quần chúng chưa thấm nhuần tinh thần chủ nhân ông trên đất nước, do đó chưa tranh đấu đòi thực hiện dân chủ. Để sửa chữa, ta cần xây dựng ý thức dân chủ cho quần chúng.
Loạt bài được dự định tiếp tục với bác sĩ Đặng Văn Ngữ, nhà sử học Đào Duy Anh, nhà văn Nguyễn Đình Thi... nhưng cho đến số cuối cùng được ra mắt là số 5, ngày 20 tháng 11 cùng năm, Nhân Văn chỉ có thể công bố bài phỏng vấn Đặng Văn Ngữ và Đào Duy Anh.
Ngày 30 tháng 10 năm 1956 luật sư Nguyễn Mạnh Tường, với tư cách thành viên của Mặt trận Tổ quốc, đã đọc một bài diễn văn tại một cuộc họp của Mặt trận Tổ quốc ở Hà Nội, phân tích sâu sắc những sai lầm của Đảng và Nhà nước trong cải cách ruộng đất và đề ra phương hướng tránh mắc lại. Sau phát biểu này, ông bị tước hết mọi chức vụ và danh vị nghề nghiệp.
Ông mất ngày 13 tháng 6 năm 1997 tại Hà Nội, thọ 88 tuổi.
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường có vợ là bà Tống Lệ Dung, có ba con, một trai và hai gái. Người con trai cả (Nguyễn Tường Hưng nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch các Bộ: Mỏ và Than, Năng lượng và Công nghiệp) và người em ngay sát ông đều đã nghỉ hưu. Con rể ông là nhạc sĩ, nhà lý luận phê bình âm nhạc Hồ Quang Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội.
Tác phẩm
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường để lại 14 tác phẩm bằng tiếng Pháp và 4 tác phẩm tiếng Việt.
• Văn Phạm Việt Nam (cùng Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim) (1941)
• Việt Nam Tự Điển (Hội Khai Trí Tiến Đức)
• Construction de l'Orient (1937)
• Sourires et Larmes d'une Jeunesse (1937)
• Pierres de France (1940)
• Apprentissage de la Méditerranée (1940)
• Le Voyage et le Sentiment (1940)
• Một Cuộc Hành Trình (1955)
• Un Excommunité-HàNội: 1954-1991: Procès d'un intellectuel (Quê Mẹ Paris xb 1992)
• Lý luận giáo dục châu Âu: Từ Érasme tới Rousseau thế kỷ XVI, XVII, XVIII (Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội – 1994, 530 trang)
• Aikhylos (Eschyle) và bi kịch cổ đại Hi Lạp (Nhà xuất bản Giáo dục 1996)
• Virgile - nhà thơ vĩ đại của thời kỳ La mã cổ đại (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1996, 342 trang)...
Blog Archive
-
▼
2009
(21)
-
▼
December
(21)
- GS Nguyễn Văn Hoàn Kỷ niệm về thầy Nguyễn Mạnh Tườn
- Người trí thức nhiều huyền thoại
- RFI -Nguyễn Mạnh Tường
- TS. Nguyễn Mạnh Tường-Vừa khóc vừa cười
- Nguyễn Mạnh Tường-Qua những sai lầm trong Cải cách...
- Nguyễn Mạnh Tường - Kẻ bị rút phép thông công (12)
- Nguyễn Mạnh Tường - Kẻ bị rút phép thông công (11)
- Nguyễn Mạnh Tường - Kẻ bị rút phép thông công (11)...
- Nguyễn Mạnh Tường - Kẻ bị rút phép thông công (10)
- Nguyễn Mạnh Tường - Kẻ bị rút phép thông công (9)
- Nguyễn Mạnh Tường - Kẻ bị rút phép thông công (8)
- Nguyễn Mạnh Tường - Kẻ bị rút phép thông công (7)
- Nguyễn Mạnh Tường - Kẻ bị rút phép thông công (6)
- Nguyễn Mạnh Tường - Kẻ bị rút phép thông công (5)
- Nguyễn Mạnh Tường - Kẻ bị rút phép thông công (4)
- Nguyễn Mạnh Tường - Kẻ bị rút phép thông công (3)
- Nguyễn Mạnh Tường - Kẻ bị rút phép thông công (2)
- Nguyễn Mạnh Tường - Kẻ bị rút phép thông công (1)
- Giáo sư, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường: Chữ tài liền v...
- Nguyễn Mạnh Tường - Người lập kỷ lục trên đất Pháp
- LS Nguyễn Mạnh Tường- Nhân Văn Giai Phẩm 30-10-1956
-
▼
December
(21)