Friday, December 11, 2009

Nguyễn Mạnh Tường - Kẻ bị rút phép thông công (11)

Nguyễn Mạnh Tường - Kẻ bị rút phép thông công (11)


Bất chợt, tôi lại nhớ vào năm 1936, khi tôi trở về Việt Nam luôn, tôi học tiếng Trung, tham gia phác hoạ văn phạm Việt Nam với nhóm Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ, và hợp tác làm cuốn tự điển với Khai Trí Tiến Đức. Cái gì đã khiến tôi luôn giữ thái độ sinh hoạt đó? Tôi, một người là chưa bao giờ ngưng tán dương đề cao những tác dụng lợi ích của nền văn hoá Pháp, một nền văn hoá đã tôi luyện thành một người như tôi ngày hôm nay? Tôi chỉ có thể trả lời câu hỏi như thế này: “Tôi trở về với truyền thống và dân tộc, không phải với cái giá của một cuộc đấu tranh cam khó và với những cố gắng bền bỉ, nhưng bằng cách để mình trôi theo một con đường dốc không thể thiếu một cách dễ dàng và tự nhiên. Những kẻ dù có trang bị một kiến thức khoa học rộng lớn, những người chống văn hoá Pháp mà tôi đã tiếp đón ở trường, và hay những kẻ chống văn hoá Việt, văn hoá mà tôi thấm nhuần suốt cuộc sống, tất cả bọn họ đều không có những cái nhìn lành mạnh và đúng đắn về văn hoá là gì. Một nền văn hoá xứng đáng với tên gọi của nó không bao giờ có chuyện tự phân biệt mình qua sự duy nhất, không bao giờ kiếm cách biến mình thành độc tôn, không bao giờ tự mình đóng khung trong tường kín. Ngược lại, văn hoá là khoảng không gian ngự trị ở tầng cao vi vu muôn ngàn ngọn gió, nơi đến của tất cả những tâm hồn tốt lành không có bất cứ thứ phân biệt đối xử nào, như là một con suối trong dành cho mọi sự khát. Mỗi người có một nền văn hoá riêng, nhưng tất cả cùng hoá chung trong nền Văn Hoá lớn của nhân loại, mục đích duy nhất và sau cùng là nhằm tạo nên một con người toàn diện, tinh hoa, với những đức hạnh không thể thay hình đổi dạng được, có những giá trị riêng của con người, đưa họ lên tầng cao nhất của nhân tính. Khi tất cả những nền văn hoá của từng quốc gia quyện chung thành Văn Hoá của nhân loại, như những giòng sông cùng đổ vào biển cả, thì làm sao lại có chuyện có thể hình dung ra những đối kháng, mâu thuẫn hay xung đột giữa các văn hoá riêng và nền Văn Hoá lớn?

Cái gì có thể phân chia rạch ròi giữa animus và animas [3]? Cái gì không thể hoà được giữa cái văn hoá Pháp đã tạo nên tri thức của tôi và cái văn hoá Việt đã nặn khuôn linh hồn tôi?

Để lòng mình trầm lắng, yên tĩnh lại, tôi cảm xúc mủi lòng nhìn từng món đồ trong nhà. Mỗi món là một phần của những ngày qua và một phần của linh hồn tôi, tất cả chúng là một nữa của con người và sự sống của tôi. Nay mai, chúng sẽ rời tôi, từng đứa một, đi về một nơi vô định, rồi sẽ đến ngày mà trí nhớ của tôi chỉ đủ sức nhớ lại những hình ảnh mờ ảo, chợt ẫn hiện như một cảnh vật lúc hoàng hôn thoáng vụt qua cánh cửa sổ của con tầu hoả đang chạy nhanh. Chưa bao giờ tôi lại thấm thía bởi câu thơ nhức nhối: “Đi là chết trong lòng một ít…”

Người khách đầu tiên là một cán bộ cộng sản trong bộ đồ kaki xanh, với áo cổ cao và mang đôi dép cao su làm bằng lốp xe bỏ, một vẻ bề ngoài cho biết ngay ông ta thuộc gốc chính trị nào. Ông ta không có cái vẻ của một kẻ lang thang, mặc dù cặp mắt đang nhớn nhác ngạc nhiên, hết nhìn món này nhìn qua món khác như đang tự hỏi làm thế nào mà có tay trí thức có thể mua sắm và sống với những món đồ như thế. Tôi có thể đoán được những ý nghĩ đang xảy ra trong đầu của ông ta. Hắn chắc đã tự bảo đây là một tay phản động có tầm cỡ mới có thể sống xa hoa như thế: quả thực, hắn chỉ nghĩ rằng trong bất cứ xã hội cộng sản nào, như ở Việt Nam, giới trí thức đã bị đưa vào cuộc sống nghèo khổ, bị nguyền rủa dồn dập dưới sự khinh thường của lãnh đạo, nếu một tay trí thức nào đi ra ngoài qui luật đó, hắn ta chẳc chắn là một tên phản động làm giàu bất chính. Nhìn cặp mắt chằm chặp soi mói và cử chỉ của hắn ta, tôi nghĩ, nếu hắn không manh động với tôi thì hắn cũng không dành cho tôi những kính trọng phải có. Đương nhiên, hắn đang thi hành lệnh của chủ nhân. Nhưng để làm gỉ? Chính hắn đăt câu hỏi đầu tiên: “Vì sao ông muốn bán đồ đạc?”

- Chắc là ông cũng thừa biết, tất cả trí thức ở Hà Nội đều làm chuyện đó. Tôi đã phạm lỗi lầm, dường như thế, và đã bị loại khỏi đoàn Luật Sư và công việc giảng dạy. Không còn nguồn lợi tức nào, và để nuôi gia đình tôi đành phải bán những đồ đạc mà tôi có từ nhiều năm nay. Đó là những món chót còn lại của tôi.

- Ông vừa nói hai chữ “Chắc là”. Như vậy ông vẫn chưa nhận lỗi và vẫn còn hận Đảng. Có người sẽ thất vọng thấy ông vẫn không quay lại với con đường của lý lẽ.

- Ông bạn trẻ của tôi ơi, tôi không biết là ông có hiểu là mọi phán đoán đều dính dấp đến tính chủ quan của người đưa ra lý luận đó. Dưới tác động của cái chủ quan, ai có thể cho rằng mình là đúng đây? Trong một nền dân chủ đích thực, xứng đáng với tên gọi của nó, luật là do đa số quyết định. Trong một số nơi khác, luật là do những kẻ nắm quyền. Một phán quyết bằng bạo lực và dựa vào bạo lực thì không thể có một giá trị chung cuộc của sự thực. Nó sẽ bị lịch sử huỷ bỏ, và chuyện đó xảy ra ngay trong lúc những kẻ làm án kia còn sống, thời gian và hoàn cảnh trong quá trình tiến hoá, sẽ lôi họ ra khỏi những giấc mơ trì độn và họ sẽ phải tự đấm ngực sám hối. Nhưng tôi nghĩ là ông đến đây hôm nay không phải để nói những chuyện đó, mà tôi cũng chẳng có hứng thú để nói đến. Vậy xin ông cho biết lý do của cuộc viếng thăm.

- Tôi được lệnh đến xem ông đã ra làm sao và giá cả những món ông muốn bán.

- Thật vậy, Đảng có tai mắt khắp nơi, không để cái gì vuột khỏi tầm mắt. Nhưng tôi nghĩ là những báo cáo của công an cũng đã cung cấp đầy đủ tin tức về con người khiêm tốn của tôi. Không, vẫn chưa đăng cáo phó tôi chết, cũng chưa phải lúc, nhưng cũng sắp thôi. Nhưng dù sao tôi cũng cám ơn sự rộng lượng và lòng cao thượng của Đảng đã chưa đưa tôi lên máy chém hay ra đứng trước trụ xử bắn. Đó có thể là điều tốt đã dành cho tôi. Cám ơn Đảng đã quan tâm muốn biết tin về tôi. Những món đồ đem ra bán là những cái gì cuối cùng mà chúng tôi có, và đó cũng là tấm ván cứu hộ cuối cùng cho gia đình chúng tôi. Tôi hy vọng là chúng có thể bảo đảm cho chúng tôi sống còn khoảng hơn chục năm nữa.

- Hơn chục năm? Ông định dòi giá bao nhiêu vậy?

- Trước khi trả lời câu hỏi của ông, cho phép tôi được hỏi ông, lãnh đạo định mua lại đồ đạc của tôi để dùng vào chuyện gì vậy?

- Ồ… Chuyện đó thì tôi chưa thể nói được, chưa thể nói là sẽ đem những của này đi về nơi nào. Nhưng tôi nghĩ là hiện nay các quan hệ ngoại giao đang lớn mạnh, chắc cũng dễ kiếm chỗ để những món ấy trong các phòng tiếp tân hay đại sảnh.

Tôi vừa kiếm ra câu thần chú cho điều bí ẩn. Thực tế là, chuyện mua đồ chỉ là một cái cớ cho cuộc thăm viếng bất ngờ của một tay cớm để vào nhà một kẻ đang bị một án chết đang treo. Tôi nghĩ rằng giới quyền cao chức trọng đã xem tôi như một kẻ không thể cứu được nữa và như dân gian thường nói, là tại sao phải nuôi ong tay áo! Người ta không muốn giết tôi vì không muốn khuấy lên những xúc động của giới trí thức và những khối nhân dân khác. Nhưng người ta cũng mong tôi chết đi để tránh cho Đảng phải chịu những phiền phức do ngòi bút và tiếng nói của tôi. Vì thế, biết được thâm ý của Đảng, tôi dễ dàng tìm ra câu trả lời để nói cho kẻ thay mặt họ:

- Tôi muốn yêu cầu ông khi về lại, nhân danh tôi mà cám ơn các quan chức đã gửi ông đến gặp tôi. Tôi sẽ rất cảm kích nếu ông nói dùm với họ là tôi sẽ biết ơn họ đến chết về những việc mà họ đã làm cho tôi. Dù đang nắm sinh mạng tôi trong tay, họ vẫn không kết án chết vì cái “tội ác” của tôi, nhưng họ, vì công lý và nhân đạo, đã chọn kết án tôi cả đời. Một đời dở sống dở chết, hấp hối và cuối cùng cũng hết đời. Nếu bây giờ các ông ấy thấy đồ đạc tôi cũng gọi là xem được thì họ cứ lấy chúng đi, như họ đã lấy ba căn nhà thừa tự mà tôi đã hiến cho nhân dân. Nếu họ không muốn mang tiếng là mang gương mặt của kẻ cướp thì họ trả cho tôi bao nhiêu cũng được. Như vậy là tôi cống hiến tất cả những gì tôi có như là một người cộng sản chân chính.

Tôi đã không lầm. Tôi không còn gặp lại anh chàng vô tích sự đó, và sau đó cũng không có người nào như bọn đó đến nhà. Chỉ với ý nghĩ là Đảng cho người đến mua rẻ đồ đạc của một người mà họ kết án sống trong sự đói cũng đủ làm tôi không thể nén mình để bật ra những tràn cười ha hả… Người ta có thể phiền trách những lỗi lầm của Đảng, nhưng với cái thâm hiểm như thế. Không là không!

Một thời gian sau đó, bỗng dưng có một người ăn mặc trang trọng, com lê cà vạt hẳn hoi, đến gõ cửa nhà tôi. Thời buổi này mà ăn diện thế thì hoạ là mấy anh Việt kiều thôi. Tại sao? Thời ấy chỉ có những người nước ngoài và những người trong ngành ngoại giao có việc qua Hà Nội mới không phải mặc những đồng phục cộng sản. Nhưng khi nhà ngoại giao xong công tác ở nước ngoài về, trở lại vai trò công chức của bộ Ngoại Giao, họ phải cải đạo về lại với cái tôn giáo của áo đại cán và đôi dép râu, như thế chỉ có Việt kiều là đóng bộ, cà vạt.

Người khách Việt Nam của tôi tự giới thiệu là một doanh gia đang có ý định mở một khách sạn cao cấp tại Hà Nội dành cho du khách quốc tế. Chỉ cần nhìn là có thể biết ngay ông khách từ nước nào đến và thuộc giới người nào. Ông ta có một khổ người cao lớn so với người Việt trong nước với một làn da sáng của những người sống ở các nước ôn đới mà nắng không làm đen da, khuôn mặt nhẵn nhụi, vầng trán rộng, cao dưới một mái tóc chải chuốt cẩn thận thoáng một mùi nước hoa kín đáo thơm phức. Sau cái gọng kính vàng, đôi mắt ông ta nhìn kẻ đối thoại như muốn tìm sâu những ý nghĩ của họ. Với giọng nói chững chạc rõ từng chữ từng âm như để tránh những lỡ lầm của đầu lưỡi có thể làm lộ ra những ý định đằng sau của mình nhưng cũng đủ để cho thấy sự nghiêm chỉnh trong lời nói và sự trình bày. Nhưng nụ cười ông ta thì rất thân thiện, mời đón dễ gây thiện cảm và dường như có thể tạo nên một cuộc trao đổi chân thành và thông cảm. Ông ta tự giới thiệu:

- Tôi đã ra khỏi nước từ ba mươi năm trước và đã lập nghiệp ở Mỹ, mở một công ty nhập khẩu và vận tải biển với một đội thương thuyền nhỏ. Ở nhà tôi chưa bao giờ bỏ qua bất cứ chương trình truyền hình phát thanh nào bằng tiếng Việt hay tiếng Anh về Việt Nam. Tôi có nhiều liên lạc với ngưới Việt ở các nước như Pháp, Canada, Anh Quốc, Úc, Đức và dĩ nhiên là cả ở Mỹ. Tôi không phải là cộng sản, nhưng tôi cố tìm hiểu cái ý thức hệ đó, nhưng sẽ không bao giờ ngần ngại giúp sức nếu những việc làm của họ chừng nào họ còn làm vì yêu nước chứ không phải vì chủ nghĩa. Chúng tôi, những người Việt sống ở nước ngoài không bao giờ ngần ngại nói thẳng: cho dù là chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản hay bất cứ thứ chủ nghĩa nào mà đem lại hạnh phúc cho nhân dân, kiếm cách làm cho dân tộc bớt nghèo, bớt khổ thi chúng tôi sẵn sàng đóng góp, đặc biệt là những giúp đỡ nhân đạo như trường hợp nạn đói hay lụt lội chẳng hạn. Chúng tôi dạy con nói Việt, giáo dục chúng những phong tục tập quán của quê nhà và chúng tôi cảm thấy hạnh phúc được thấy thế hệ sau rất xứng đáng với sự chờ đợi của chúng tôi, thấy chúng vinh dự mang tên Việt và có tổ quốc Việt Nam.

- Chúng tôi được thông tin về những gì quí ông bà mang lại cho dân tộc và đất nước. Đặc biệt là ở những vùng thường bị thiên tai, dân ở đó không ngần ngại nói rõ là gạo cứu đói không phải đến từ Chính Phủ mà đến từ những tấm lòng yêu nước thương dân của nhân dân trong nước và hơn nữa từ những người ở nước ngoài.

- Chúng tôi hạnh phúc vì chuyện ấy. Cái truyền thống đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau của những người cùng chung một mẹ, không phải mới có đây mà có tận thời bà Âu Cơ. Chúng tôi có một điều thấy tiếc về vấn đề này, nếu chúng tôi có thể nói được, đó là sự hiểu lầm giữa Nhà Nước và chúng tôi. Trong mấy chục năm, họ chỉ chúng tôi bằng đủ thứ tên gọi, đổ đống lên chúng tôi đủ thứ nhục mạ ti tiện, cho chúng tôi là những kẻ phản quốc. Khi chính trị che mờ lý lẽ, chúng tôi chấp nhận chuyện đó. Nhưng từ đó mà quay lưng với cả khối đáng kể người Việt ở nước ngoài với rất nhiều người thành đạt, đầy khả năng về khoa học, kỹ thuật, là những quản trị viên trong mọi ngành kinh tế, đặc biệt là những người có khả năng tài chánh lớn có thể góp phần xây dựng tổ quốc. Đó là một điều bệnh hoạn, một điều khùng điên không thể tha thứ được. Nếu những người muốn giúp Việt Nam đang phàn nàn về chuyện đó thì những kẻ chống lại vỗ tay hoan nghênh là Việt Nam đang tự mình cắt bỏ những đóng góp giúp đỡ của những đứa con của mình, như vậy sẽ làm cộng sản tan rã nhanh hơn.

- Thật đúng lúc để nhớ lại một câu nói dân gian là Jupiter làm mù mắt những kẻ mà nó muốn bị thua. Nhưng hiện nay chính phủ đang chăm chút Việt Kiều, đề cao lòng yêu nước của họ!

- Nhiều người trong chúng tôi đã phì cười về chuyện đó. Tiền làm thay đổi bộ mặt của thói đời và tấm lòng con người. Có lẽ ngưởi ta nên cám ơn mãnh lực của đồng đô la làm nên phép lạ đã làm biến hình, tẩy trắng khuôn mặt đen quỷ dữ của Sa Tăng biến chúng thành thiên thần của Thiên Đàng. Nhưng tôi thấy có một sự kiện mà tôi cho rằng có ý nghĩa. Có một số người trong chúng tôi đã dấn thân vào một cuộc đấu tranh bền bỉ cho nhân quyền ở Việt Nam. Lời nguyền rủa mà những người cộng sản đã tung ra ào ạt chẳng chúng minh gì khác ngoài cái hận thù tàn bạo mà họ có đối với nhân quyền: họ đứng về phía phi nghĩa và một thiểu số độc tài. Họ ngoan cố không chịu thấy sự thực là chuyện bảo vệ nhân quyền không có gì là phản quốc hay phản nhân dân cả. Kẻ nào trộn lẫn hai thứ đó vào nhau sẽ bị nhân loại đào thải. Họ là những kẻ đáng thương tội nghiệp hơn là đáng sợ. Sớm hay muộn, giờ trừng trị cũng sẽ đến.

Nhưng chính cái bệnh ấu trĩ của người cộng sản mới làm tôi kinh hoàng. Với tất cả những quyến rũ của chủ nghĩa tư bản, người ta lại kéo kinh tế thị trường, luật cung cầu, lý thuyết về giá cả, kinh tế tự do gộp chung lại và gọi đó là kinh tế năm thành phần, lợi nhuận, etc… rồi người ta dán lên đó cái nhãn hiệu xã hội chủ nghĩa, và thế là trò chơi đã sẵn sàng: người ta đã có thể giương cao cái cựa và ném ra tiềng gáy cúc cu của chủ nghĩa xã hội… Người ta đã khởi sự dân chủ từ lâu nay, nhưng vì chê bai chủ nghĩa tư bản nên người ta lại phải trang điểm thêm cho dân chủ một tính từ “xã hội chủ nghĩa”. Và giờ đây thì sự loạn ngôn đầy náo nhiệt: khẩu hiệu được tung ra, kêu gào đó là Đổi Mới, nhưng chẳng có gì thay đổi: tham nhũng, hối lộ càng ngày càng toả rộng vùng bị nhiễm, không có một ông trùm nào bị đưa ra Toà hay bị những bản án nhục nhã và tệ hại hơn nữa là người ta đã sắp xếp cho kẻ phạm những tội quy mô đào thoát ra nước ngoài, hay nhắm mắt làm ngơ cho họ di dân đến nước khác để tránh những cuộc điều tra hình sự, trước dự thẩm hay trước Toà, để không làm liên luỵ tới những vị chúa tể và khỏi gây ra những phẩn nộ có thể hiểu được của công luận. Trong khi chờ đợi, những kẻ hút máu của nhân dân đã cất giấu an toàn những tài sản trộm cắp được, và sau một thời gian bị lưu giữ hoàn toàn hình thức dưới một thứ tù giam mà chúng có thể sống một cuộc sống xa hoa, họ có thể được giảm án, tha tội và được trả lại tự do để trở về sống yên bình, được tôn kính để tận hưởng thành quả của tội ác trước đây. Việc kiếm ra giải thích cho hiện tượng này là rất dễ dàng: cộng sản không cho rằng những tội hình sự mà các đồng chí của họ phạm là phải bị đem ra bêu thây và bị trừng phạt nghiêm khắc. Thật vậy, nếu thanh danh Đảng bị giảm và bị ô nhục thì niềm tin của nhân dân vào Đảng cũng mất đi, điều đó chẳng phải là vì do kẻ thù mà là do chính kẻ nằm trong ruột Đảng. Từ khi tôi vào Việt Nam, nhiều người bạn của tôi cho biết những tin tức đó, dù là những tin có thể làm lương tâm nổi loạn, đều là điều có thật. Những kẻ bị các lãnh đạo hận thù và bị kết án với những cái chết đầy bí ẩn là những kẻ thù chính trị đã đi sai “đường lối” của Đảng và nhất là những kẻ muốn bứng họ ra khỏi những chức vụ lãnh đạo cao nhất. Thật vậy, đó là những cuộc đấu đá dơ bẩn để dành quyền lực được che đậy dưới cái áo khoác đỏ của chính trị. Nhưng cái gì kinh hoàng và không thể tưởng tượng được là ở trong cũng như ngoài Đảng, có những trí thức nổi tiếng đạo đức mà ai cũng kính phục lại tham gia vào cuộc chơi, chấp nhận lời biện minh của Đảng, đưa cao quả đấm lên trời, bước đi trong hàng ngủ của Đảng, vừa gào to những khẩu hiệu giả dối. Ở đây phải công nhận là nền giáo dục cộng sản là thành công, họ thuyết phục được những người, dường như đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng lại không tin vào những gì mắt thấy, tai nghe mà ngược lại còn tôn xưng những tôn chỉ của Đảng, để tăng thêm niềm tin vào những gì Đảng quyết định và ra lệnh như là kẻ duy nhất nắm giữ sự thật và là nhà tiên tri Phúc Âm Marxist-Leninist. Loại cuồng tín biến sự đa dạng thành rô bốt, biến con người thành những cỗ máy chỉ biết cử động khi có lệnh đến từ bên ngoài thật sự làm những cái đầu biết suy nghĩ lo ngại.

- Tôi thấy chỉ có một phương thuốc duy nhất là cái văn hoá trí thức làm phát triển lý tính, gìn giữ tinh thần phê phán, rèn luyện năng lực phán đoán, rao giảng sự thật và khách quan, cỗ võ cho sự trong sáng và chính xác trong việc quan sát và thấu hiểu các hiện tượng, tính logic trong lý luận và nhất là biết hoài nghi đố với những anh Don Quichotte vừa cưỡi ngựa vừa tung ra những lời khoe khoang khoác lác chẳng những không thuyết phục được ai mà còn tỏ ra ngây thơ, dốt và ngu xuẩn! Chính nhờ nền văn hoá của Pháp được hưởng ích lợi mỗi ngày đã giúp tôi giữ được, chăm sóc và phát triển con người của tôi giữa cuộc sống bị xói mòn bởi chủ nghĩa hình thức và thân phận nô lệ.

- Cái ý thức phê phán và chủ nghĩa hoài nghi thì ít phát triển ở những nước nói tiếng Anh, như nơi tôi đang sinh sống, nhưng đầu óc thực tế và chủ nghĩa thực dụng lại giúp chúng tôi tự giữ mình không tuột trên con giốc của sai lầm bởi những định kiến và chủ nghĩa theo thời mà đập mình vào khối đá của quyền lợi mà tan vỡ. Cũng vậy, những gì tôi thấy ở Việt Nam làm tôi thật sự kinh hoàng. Trong những lần đi thăm nhiều nơi trong nước, đặc biệt là ở những vùng phía Bắc, tôi vẫn không thể hiểu được sự chịu đựng của giai cấp nông dân phải sống cảnh nghèo hèn đau khổ mà chưa bao giờ thấy họ vùng lên phản kháng, cũng không thấy họ kiếm cách tìm hiểu nguyên do hay thuốc trị. Khi tôi rời nước ra đi ba mươi năm trước, người ta lúc ấy rất hiếu động, năng động và luôn dám chế diễu những kẻ đang cầm quyền chứng tỏ là cái đầu của dân chúng vẫn tốt và vẫn biết cái gì là hợp tình hợp lý. Cái năng động càng làm cho dân chúng thêm tức giận khi phải đối mặt với cái nghèo, cái bất công. Ngọn lửa năm xưa đẩy quần chúng nổi dậy làm Cách Mạng Tháng Tám đã tàn lụi nơi nào rồi? Tại sao giờ đây họ trở nên như chết rồi không còn sinh khí, bất động trong sự thờ ơ? Tại sao họ lại chịu đựng ngồi khóc một cách thụ động hay có thể đang khóc vì tuyệt vọng như thế? Họ không còn tin mình còn sức gì trong trí óc và hai cánh tay nữa sao? Họ, những người đã viết nên những trang sử rực rỡ.

Tôi không thể thấy cái gì ngao ngán hơn là cảnh tượng sáu mươi triệu người đang trôi dật dờ không chút nghị lực như những xác người trên biển cả. Họ đã bị lừa bịp, phỉnh gạt, phản bội và điều không thể hiểu được là người ta chỉ biết kêu than đói khổ trong khi tài nguyên thiên nhiên thì đầy dẫy và đang chờ khai thác. Những quan hệ làm ăn khiến tôi phải đi qua các nuớc như Thái Lan, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan và Mã Lai Á. Ba mươi năm trước đâu có nước nào trong nhóm đó dám nói rằng dân tộc họ là hơn dân tộc Việt Nam? Có phải chăng họ cũng bắt đầu từ nghèo khó, có cùng những điều kiện kinh tế, xã hội, tinh thần, cũng phải trải qua những mâu thuẫn, những xung đột tương tự? Thế mà ngày nay thì họ được hưởng mức sống cao hơn, hưởng thụ những tiện nghi tối thiểu về nhà ở, nhiều tự do hơn trong cuộc sống và nhiều nụ cười lạc quan hơn trên khuôn mặt. Tại sao cái sung túc tối thiểu làm cho cuộc sống trở nên hiện hửu và có ý nghĩa, dân mình, một dân tộc chưa bao giờ nhường bước cho bất cứ nước láng giềng nào trên bất cứ khía cạnh nào, vẫn chưa có? Điều quan trọng cho mỗi người trong chúng ta ở Việt Nam là cần phải đặt câu hỏi và kiếm ra giải pháp, dẫu sao cũng nằm trong tầm tay mà thôi.

- Tôi thật phục ông đã có những nhận xét xác đáng và những lý luận có chất lượng của ông. Tôi thấy rõ là ông đã lấy cảm hứng từ một tình yêu chân thành và nóng bỏng cho dân tộc mà ông là một thành viên. Nhưng tôi thì không chia sẻ với ông cái lạc quan mà ông ước tính rằng giải pháp là nằm trong tầm tay. Theo quan điểm riêng của tôi, vấn đề chính yếu là việc giáo dục các tầng lớp quần chúng. Giáo dục phải dạy về những giá trị mà lòng trung thực và sự biết tôn trọng. Con người sẽ trở nên loại người gì mà Trường học muốn tạo như thế đó. Thứ giáo dục theo kiểu Spartan [4] chỉ để dành cho việc đào tạo ra những người lính, đẩy tuổi trẻ vào những cối xay người đen tối, và những bài tập quân sự. Nhưng giáo dục chỉ có thể vận hành có hiệu xuất và cống hiến những kết quả tích cực nếu có toàn xã hội cùng góp sức với nó. Những giá trị bồi đắp cho tuổi trẻ chỉ có ý nghĩa và hiệu quả nếu toàn nước, bất kỳ nơi đâu, nhân dân đều tán dương và vinh danh chúng. Trong thời phong kiến, người dân được dạy và buộc phải tuân thủ những điều răn của Tàu và tuân phục cả những người thầy đã tuyên dạy chúng. Một kẻ nông dân thất học, nếu có nhặt được một mẩu giấy có chữ viết những điều răn trên đó thì hắn ta cũng ném vào lửa. Trong bậc thang xã hội, người thầy được đặt trên cao hơn cả người cha. Nếu chuyện là vậy là vì cha là đấng sinh thành và thầy có công dạy dỗ nên người. Nên người, đó là cái mục đích duy nhất và tối hậu của giáo dục. Vì vậy, muốn được xứng đáng mang danh “nên người” là con người phải được tô điểm bằng những đạo đức, chỉ riêng chúng, đã nâng cao và tán dương nhân tính của con người. Trường học dạy nguyên tắc, đạo đức ứng dụng nó trong gia đình và ngoài xã hôi. Chế độ quân chủ ngày xưa bổ nhiệm những nhà nho, nhất là những người thi đỗ những kỳ thi Hương, ba năm tổ chức một lần, vào những chức vụ cao nhất của triều đình. Tên những người đỗ Tiến Sĩ được khắc trên bia đá, các làng không ngừng hãnh diện đã có con em đỗ đạt ra làm quan, trong số đó có những người đã làm điều tốt lành cho đồng bào nên lúc chết đã được dân làng tôn lên thành Thành Hoàng của làng và xây đình thờ phượng. Văn chương, bằng chữ viết hay truyền khẩu, đều đưa ra những tấm gương phải theo của những ông quan thanh liêm và trung chính với Vua và nhân dân, và đả kích không chút thương xót những ông quan leo được lên những nấc thang cao của vinh quang duy nhất nhờ những thủ đoạn nô lệ và hạ cấp. Trong một xã hội như thế, sự vô đạo đức là khó xen vào để kiếm chỗ. Quần chúng nhân dân không cần phải lên tiếng đòi hỏi trừng phạt những kẻ lạm dụng chức quyền hay ăn hối lộ. Cơn thuỷ triều đen của sự vô đạo đức không thể ngập trùm cả xã hội, cả nước được.

Cái khác biệt cơ bản và sâu sắc giữa xã hội ngày xưa và xã hội ngày nay là mục tiêu của giáo dục đã thay đổi. Ngày xưa người ta tôn vinh con người và đạo đức. Ngày nay, chủ nghĩa cộng sản và cái chính trị quốc tế chủ nghĩa của nó thì được ca tụng bằng trời. Khi cái giá trị chính trị nó đánh bật cái giá trị trí thức và đạo đức, đó là cả một cuộc cách mạng, những thành viên của Đảng không nghi ngờ điều đó. Họ không ngừng kêu gào hai tiếng “Đổi Mới” nhưng khẩu hiệu không thể thay cho hành động; sự xuống cấp của con người và đạo đức đã tiếp bước đi theo hay đi cùng với sự sụp đổ của kinh tế, làm nặng thêm cái nghèo và cái khổ đau của nhân dân.
- Tôi đã thấy ngay điều đó khi tôi vừa ra khỏi máy bay ở phi trường Tân Sơn Nhất. Nhiều nhà trí thức phải đi đạp xích lô, trong khi những nhà chính trị lại chễm chệ ô tô. Trong khi những trí thức phải đi rửa xe máy, sửa xe đạp cạnh lề đường hay bán rau ở các cửa chợ thì các quan lãnh đạo đang thoải mái trong các biệt thự sang trọng với cái thân thể ngày càng đẫy đà qua những lần yến tiệc chiêu đãi sự hiện diện của họ. Trong khi người trí thức phải quần quật nghèo khổ thì các quan quyền cùng với vợ con vẫn chưa thoả mãn cuộc sống nhung lụa vẫn tiếp tục vơ vét vàng và đô la đem gửi ngân hàng Thuỵ Sĩ. Trong khi đó các kho bạc của Nhà Nước không còn tiền mặt, nhân viên bị sa thải, những người còn ở lại thì được phép ra ngoài buôn bán, kể cả ngay trên mặt bằng của cơ quan và được phép nhận những số tiền thù lao lớn nếu xoay sở mang hợp đồng về cho cơ quan chủ quản của họ. Cánh cửa được mở rộng cho thứ chợ đen nhà nước, gian lận thuế, ăn cắp những số tiền đáng kể của nhà nước thông qua những vụ nâng giá bất hợp pháp để được hưởng những khoản tiền hoa hồng. Không có một đất nước nào mà ở đó nhà nước trực tiếp khuyến khích sự phạm tội như thế!

- Cái vấn đề cốt yếu, cơ bản và cấp bách nhất là phải thay đổi con người, cái cỗ máy chính cho mọi hoạt động của xã hội, phải đề nghị cho Giáo Dục tự giao phó cho mình cái mục tiêu cao nhất: con người có văn hoá và đạo đức. Dĩ nhiên chuyện làm nên con người có văn hoá và đạo đức cũng phải thích ứng với đà tiến bộ hiện đại của khoa học kỹ thuật: nó không thể dừng lại sơ cứng với những giá trị Khổng giáo. Thật là nực cười là trong thời đại nguyên tử, điện tử và chinh phục không gian mà con người lại không quan tâm đến thành quả của khoa học. Nhưng khoa học chỉ dạy con người một cách sâu rộng về thế giới của vật chất. Nếu nó trang bị cho con người một thiết bị trí thức hàng đầu, một phương pháp suy nghĩ hợp lý, trên cơ sở kép của sự quy nạp và loại suy, nó chẳng giúp được gì trong việc khảo sát thế giới của đạo đức, việc tìm hiểu những chuyển động của linh hồn, trong chuyện giải trình những lý do của con tim hay tìm cách giải thích về sự hình thành, phát triển và huỷ diệt. Tới đây là lúc Văn Chương vào cuộc và chứng minh khả năng của nó. Văn hoá của một con người hiện đại được xây dựng và triễn khai trên cả hai khung trời khoa học và văn học. Từ đó, đạo đức của con người hiện đại sẽ thích nghi với những đòi hỏi của xã hội mới. Con người không còn đâm chém giết nhau, người ta không còn đòi người chiến sĩ phải là người can đảm, hy sinh và độ lượng dũng cảm, trên chiến trường người ta không còn thách đố với Thần Chết để bảo vệ cho đấng Thần Linh của mình hay cho người tình yêu dấu! Không, con người hiện đại tự chứng minh mình qua cái nhìn trong sáng và công bằng, bởi khả năng tiên liệu về những gì sắp xảy ngày mai, bởi khả nắng phán đoán chính xác về đối thủ và thời cơ, bởi sự bền gan chấp nhận những thất bại trong ngắn hạn để đạt đến những thắng lợi lớn trong tương lai. Họ có được những đức tính này qua những kinh nghiệm của cuộc sống, qua những đấu tranh và cũng nhờ ở văn học. Nhưng những đạo đức có tính quyết định nhiều nhất là tính trung thực, lòng lương thiện, công bằng, trọng danh dự và có lòng tự trọng, nhân đạo và rộng lượng.

- Tôi đồng ý với ông hoàn toàn. Nhưng con người có văn hoá và đạo đức là một lý tưởng lâu dài và khó khăn mới có được. Cái khó khăn chính là sự chống đối mãnh liệt của Nhà Nước không muốn thay thế con người lý tưởng của họ. Mặc dù, chỉ cần một tí thông minh và cởi mở là đủ để hiểu rằng con người lý tưởng cộng sản quốc tế vô sản là đã chấm dứt và sẽ được đưa vào bảo tàng viện những người bằng sáp của Grevin về Lịch Sử các Hiệp Sĩ Thời Trung Cổ. Nếu họ còn bám víu vào nó, không phải vì cái tự ái của các đấng sinh thành mà là do cái lợi ích đầy ích kỷ đang bị nguy hiểm của Đảng đang muốn được sống còn. Để đạt cái mục đích này, họ tung ra những khẩu hiệu “Đổi Mới”. Nhưng trong nước, bất kỳ nơi nào tôi đến, chỉ nghe nhân dân bàn tán về chuyện tham nhũng của giới cán bộ công nhân viên, mà hầu hết những kẻ này là người của Đảng. Đơn thuần là những quan chức nào đó được nắm những chức vụ cao và chịu những nhiệm vụ lớn thì dễ dàng thu vén đầy túi. Nhân dân đòi hỏi phải trừng phạt chúng, Đảng từng tuyên bố chống tham nhũng, nhưng cho đến nay, chỉ có vài tép riu du côn là bị trừng trị, nhưng đó chỉ là những kẻ phạm tội có tính riêng rẽ và cá biệt chẳng có gì liên hệ để làm hại cho các ông trùm. Thật là một điều sai lầm khi tránh không trừng phạt hay tránh né quá lâu trong việc trừng phạt các người phạm tội có tầm cỡ. Trừng phạt hay không trừng phại Đảng đều mất uy tín. Trong việc cơ cấu lại nền kinh tế, Đảng càng tự làm mình mất uy tín hơn nữa nếu cứ dừng ở những giải pháp nữa chừng, trì hoãn thực hiện, và những gì làm người ta kinh hoàng khi thấy Nhà Nước luôn gắn thêm cái đuôi “xã hội chủ nghĩa” vào những gì thật ra là luôn luôn thuộc về chủ nghĩa tư bản. Nhưng nếu đó là những gì thuộc chủ nghĩa xã hội, tại sao phải chờ nền kinh tế bị sụp đổ mới đưa chúng ra áp dụng? Nếu nó không phải là phát minh của chủ nghĩa xã hội, việc tiếm đoạt tài sản của người khác là một việc làm bất lương, nhất là sau khi đã kéo chủ nghĩa tư bản vào bùn đen trong nhiều thập niên? Thật vậy, việc đánh lận con đen có thể giải thích được: bị dồn vào thế thất bại không thể tránh khỏi, cộng thêm cái lo sợ bị mất mặt, họ đã chọn trở thành trò cười cho thiên hạ. Đó là một sự sai lầm. Ở đây, hay bất cứ ở đâu, sự chân thành thẳng thắn là bắt buộc. Chẳng thắng được gì nếu cứ lừa bịp người chơi với những hột xúc sắc đã được gian lận. Chẳng những chứng tỏ mình là vô tích sự mà còn làm cho danh dự của mình bị nhơ bẩn. Có gì phải xấu hổ khi nhận mình sai lầm nếu bài học rút tỉa sẽ mang lại những điều kiện thuận lợi cho một thành công trong lần thử sức mới?

- Thế thì ý ông thế nào?

- Tôi trở về đây để nhìn lại đất nước, nhưng tôi có nhiều bạn bè đang chờ ý kiến của tôi trước khi có thể vào đầu tư ở Việt Nam. Những gì tôi có dịp nhìn thấy không khuyến khích tôi tiến hành được chuyện gì. Tôi phải nói với ông là thị trường Việt Nam là hấp dẫn: tài nguyên đầy dẫy và chưa được khai thác, nhân công dồi dào, nhưng viễn thông và đường xá thì rất tệ, nhân viên hải quan thì quá tỉ mỉ soi mói, cảnh sát công an thì gây phiền hà. Luật Pháp, mặc dù gần đây đã có nhiều thay đổi, vẫn chưa đầy đủ và nhất là chính phủ dù đã cố nguỵ trang một cách vô ích, dưới lớp dầy của phấn son, cái màu đỏ vẫn còn đậm nét trên da mặt. Họ vẫn cố chấp trong việc độc quyền chính trị, phe lờ dân chủ, không chấp nhận nhân quyền, xem thường và đối xử tệ bạc với trí thức. Có ông nhà báo người Pháp, người đã viết bài ca tụng dân tộc Việt Nam thời chiến thắng Điện Biên Phủ, vừa rồi có quay lại Việt Nam đã viết: giờ đây sự ngu dốt và bất tài đã được dối trá và ích kỷ xông vào nhập cuộc. Kết luận: phải chờ thôi.

- Chờ đợi! Ông chờ và chúng tôi cũng vậy. Tất cả, chúng ta đều chờ những ngày tốt đẹp hơn cho Việt Nam.

- Sự chờ đợi có thể là lâu, nhưng ít nhất chúng ta cảm thấy điều đó sẽ xảy ra. Ở đây, trong tôi cứ xen kẽ hai tâm trạng: chờ đợi và thất vọng. Tôi hy vọng khi nghĩ tới tiềm năng phong phú về thiên nhiên và con người của Việt Nam. Nhưng tôi lại thất vọng khi vẫn là chứng nhân cho cái nghèo kinh hoàng mà nhân dân phải gánh chịu vẫn còn tồn tại, nhất là ở những vùng nông thôn. Dĩ nhiên, bây giờ có nhiều nhà ngói hơn xưa, nhưng than ôi không phải ai cũng được thoải mái, ngay nhiều nơi ở miền Trung dân vẫn còn kham khổ vì thiếu thốn và bị đói. Không thể chấp nhận được! Tôi thấy lòng mình dấy lên niềm hy vọng khi nhà nước và nhân dân cùng gào lên “Đổi Mới” và nhất là khi khi Đảng tham khảo ý kiến của nhân dân để xem nên cải cách thế nào. Nhưng tôi thật thất vọng vì chỉ thấy những quan điểm chính thức thì được hoan nghênh trong khi những quan điểm không chính thống khác thì bị đẩy lên giàn bêu thây trong khi chờ đợi những trừng phạt nghiêm khắc sẽ đến. Tôi đã hy vọng vào những cuộc tham khảo ý kiến trong nội bộ Đảng nhưng tôi đâm ra thất vọng khi thấy trên Ti Vi những đảng viên với một sự nhất trí, hơn cả sự tự nhiên, tung hô niềm tin vào Đảng cũng như Đảng dâng trọn niềm tin vào chủ nghĩa Marx-Lenin. Tôi tự hỏi, giữa hai niềm tin đó, còn niềm tin nào dành cho dân tộc và việc cải thiện cuộc sống của họ? Và nhất là tôi cảm thấy như mình bị hụt hẫng sai lệch khi nghe lãnh đạo Đảng bênh vực cho kinh tế thị trường là nền kinh tế chỉ có ý nghĩa trong chủ nghĩa tự do. Tôi đã hy vọng khi nghe Đảng công bố rằng dân chủ đã ngự trị, nhân quyền được tôn trọng, và tôi đã thất vọng khi biết được là có hàng ngàn trí thức đã hô hào cho dân chủ và đã nói ra một cách tự do những ý kiến của mình giờ đây đang ngồi suy nghĩ sau cánh cửa nhà tù để hiểu xem họ hay lãnh đạo ai là kẻ đúng lý. Tôi đã hy vọng khi thấy các nước Đông Âu đã quét sạch cộng sản và bọn lãnh đạo nó, thì tôi lại càng thất vọng khi thấy dường như Việt Nam vẫn còn là thành trì chót của chủ nghĩa cộng sản và vẫn còn đang nhắm mắt bịt tai đối với những gì đang xảy ra trên thế giới. Tôi đã hy vọng khi nhìn thấy nhiều sinh viên Việt Nam thắng nhiều giải trong các cuộc tranh tài thế giới. Nhưng tôi lại càng thất vọng khi thấy nhiều trí thức bị đẩy ra rìa xã hội, bị vào thế phải cực khổ làm những công việc chân tay thấp kém để khỏi phải bị chết đói trong khi những cán bộ có chức có quyền lại ung dung thoải mái trên các chiếc ô tô đắt tiền và gửi con cái đi “du học” nước ngoài và một ngày nào đó sẽ quay về Việt Nam để thay chỗ, thay quyền cho họ trong những chức vụ cao. Tôi chỉ kể ra một số sự kiện đã làm tôi kinh ngạc và dám thách bất cứ ai có thể chứng minh điều ngược lại. Có thể làm gì để chữa tình trạng thê thảm này không?

- Những việc mà ông vừa nêu ra không phải là do ông tưởng tượng đâu. Chúng tôi ở trong nước đã đau khổ nhiều vì những điều đó nhưng không bao giờ dám ám chỉ đến vì chỉ cần la lên chuyện thần thoại Midas có lỗ tai lừa là đã bị gán ghép thành tội phạm. Chỉ có những kẻ cơ hội chủ nghĩa đang thèm khát danh vọng và lợi lộc là sẵn sàng sang sảng ở bất cứ góc đường nào để vinh danh mụ Messalina ngoại tình kia là người đàn bà trung trinh nhất thế gian. Giới lãnh đạo luôn luôn hô hào như người ta thường nói là chớ bao giờ vạch áo cho người xem lưng. Mặc dù thế tôi vẫn không đi đến chỗ cực đoan là đòi phải loại bỏ tất cả những người cộng sản. Một cái đầu biết suy nghĩ rất kinh sợ cho những điều “mới mẻ” có thể gây ra những xáo trộn nặng nề cho xã hội, gây tác hại trên quyền lợi của người và của. Tôi cũng sẽ làm như người đàn bà hàng ngày chăm lo cầu nguyện cho ông vua ác Syracuse đang trị vì được nhiều sức khoẻ sống lâu vì bà ta sợ rằng người kế vì có khi lại còn tàn độc hơn hắn ta. Vì thế, tôi đặt tin tưởng vào Đảng và là Đảng đã được tái sinh. Mặt khác, tôi cho là bất cứ bàn tay nào có thể mang lại hạnh phúc và ấm no cho dân tộc, bất cứ ai mà mối bận tâm lớn nhất là không chỉ riêng cho họ mà cho cả nhân dân, cái đó mới là quan trọng. Cá nhân tôi, tôi rất kinh sợ chính trị, và nhất là khi tất cả những con người chính trị đều dấu mặt sau những chiếc mặt nạ đầy ích kỷ và dối trá, thối rữa trong tội ác và kiêu căng tự đại. Làm sao có thể khác hơn khi họ chỉ là con người, để mà nói rằng, trong tự bản thân mỗi người luôn có sự xung đột giữa cái xấu và tốt, mà cái tốt lại hiếm khi thắng? Tôi cứ cho tất cả chúng một cái túi là xong.

- Ông có thể dành một ngoại lệ cho những người cộng sản mà lâu nay vẫn được hàng triệu người trên thế giới tán dương?

- Cộng sản đã giết nửa cuộc đời của tôi, đã buộc cả gia đình chúng tôi phải chịu kéo dài những đầy đoạ vì cái đói bằng cách cắt đứt mọi cách kiếm sống của tôi trong nghề dạy học và làm luật sư. Nhưng những kẻ đáng thương kia đang bị một thứ bệnh ấu trĩ, chỉ biết nói như con vẹt: họ đoạ đầy trí thức để theo gương bọn Stalinist và Maoist. Tôi tha thứ cho họ về những chuyện đó: chẳng qua họ cũng chẳng biết họ đang làm gì. Nhưng tôi không bỏ qua chuyện họ đã cấm đoán tôi có cái hạnh phúc trong nhiều chục năm có dịp đào tạo nhiều thế hệ thanh niên như tôi đã làm vào thời trước khi họ lên nắm chính quyền, nghĩa là cả một lớp trẻ rất khá về ngôn ngữ và văn chương Pháp, một lớp người được trang bị một nền đạo lý lớn của Pháp và một nền văn hoá có chất lượng cho phép họ cùng nhau tham gia lèo lái con thuyền chung vượt qua những vùng đá ngầm của cuộc sống. Tôi đã không có dịp truyền đến cho họ ngọn lửa nhiệt tình soi sáng tinh thần và những bước đi của tôi trong cộng đồng con người.

- Cái khôn ngoan và cái vốn văn hoá đó đã gợi ông có thái độ nào đối diện với chính trị và đặc biệt là đối với những người cộng sản?

- Tôi mở tuyển tập Montaigne. Đó là cuốn sách gối đầu giường, là nguồn tiếp sức cho tôi. Có rất nhiều bài học rất tốt mà những người cộng sản, nếu họ có chút văn hoá, có thể học hỏi từ những tác phẩm đó. Đọc qua tập Những tấm gương sáng của cổ nhân trong tuyển tập Montaigne họ sẽ nhận thấy là không nên giữ trong đầu những gì chỉ vì do cấp trên bảo ban và những gì không có gì chứng minh, là bất cứ ai theo chân người khác thì không theo cái gì cả. Nói rõ hơn là không bao giờ quỳ luỵ bất cứ ai, kể cả Mác hay Lê Nin, kể cả Stalin hay Mao. Họ không nên tự giam, xây tường nhốt mình vào một thế giới kín bưng mà phải mở rộng giao thiệp với người, cọ sát và mài dũa trí óc của mình với trí óc của người khác, xâm nhập vào thế giới rộng lớn này, phải nhìn ở đâu để nhận ra những con đường vòng tốt nhất và những điều cóp nhặt có thể học hỏi từ người khác; mỗi người phải biết nhào trộn biến chúng thành thứ của riêng xem đó như là lý luận của mình. Cái thu hoạch theo cách học đó làm kiến thức mình ngày càng lớn và rộng thêm. Ở đây, nói tóm lại, đó là những gì người cộng sản cần phải học để tự xây dựng bản thân trước khi lãnh đạo người khác.

Và ngày nay, đối diện với những người cộng sản, người ta phải sống với thái độ nào để giữ được con người thực và chân chính của mình? Hãy nghe lời của các bậc thầy. Tôi, tôi tự thu mình vào cuộc sống nội tâm, bày biện nó và vui với nó. Cái khẩu hiệu “tự làm chủ lấy bản thân” là một điều chỉ có thể thực hiện ở chỗ khuất mắt sau nhà. Phải tách cái góc nhà đó ra khỏi cộng đồng vợ chồng, kể cả con cái, kể cả người dưng. Từ đài quan sát đó, nơi mà mình tự quan sát lấy mình, chúng ta có thể làm khán giả nhìn cuộc đời người khác để từ đó tự đánh giá và điều chỉnh bản thân của mình. Cái chắc chắn nhất là hãy đặt niềm tin vào chính mình và dựa trên những gì tất yếu cho mình. Nếu như chúng ta sống trong những thời kỳ khó khăn, và chứng kiến cảnh đáng lưu ý về cái chết chính tri của chính chúng ta, thì hãy biết rằng trong hoàn cảnh đầy xáo trộn mà chúng ta sống ba mươi năm qua, mọi người đều có thể chỉ nội một giờ là số phận có thể sụp đổ hoàn toàn. Từ đó, thái độ có tư cách nhất, ngay cả lúc chúng ta buộc phải nhận một chức vụ trong chính quyền, là phải chẳng những không được phủ nhận những phẩm chất đáng khen của phe đối thủ mà cả những phẩm chất đáng chê của những kẻ mà mình theo. Nói một cách ngắn gọn là chúng ta phải đề cao cảnh giác, phải có một cái nhìn rõ ràng, và tránh thái độ phe nhóm hay có thành kiến gây ảnh hưởng trên thế đứng của mình trong xã hội và đặc biệt là trong cộng đồng chính trị. Cái khôn ngoan sắc xảo nhất là nghe theo tác giả: “tôi không biết dấn thân một cách thật sâu và thật toàn diện như thế: khi tôi muốn cống hiến cho một đảng thì không phải vì một nghĩa vụ mang tính bạo lực mà tôi để cho lý trí tôi trở nên đồi bại”. Chính vì không muốn lý trí của mình trở nên đồi bại mà không ít một số trí thức đã từ chối lời mời gia nhập Đảng.

- Hay! Tôi hoàn toàn hiểu ông. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, suy nghĩ của ông là thế nào? Làm sao có thể thoát khỏi con đường bế tắc mà ta bị giữ trong đó, và bị giữ trái với ý muốn của mình?

- Phái cực hữu thì muốn truy sát phe cộng sản cho đến tận sào huyệt bí mật nhất. Cánh cực tả thì muốn chiến đấu bảo vệ chủ nghĩa cộng sản bất chấp mọi trở ngại, ngay cả việc phải thực hiện một vài thay đổi hay nhượng bộ. Tôi nghĩ rằng giải pháp cần phải có nhiều sắc thái hơn. Cái khuôn vàng thước ngọc nào buộc ta phai luôn nhớ và đang chi phối cái trận chiến điên cuồng giữa các đối thủ đang hiện hiện? Nếu con người là điểm phát xuất và cũng là điểm đến cuối cùng của giáo dục và văn hoá thì nhân dân cũng phải là điểm xuất phát và điểm đến cuối cùng của mọi lực lượng chính trị. Chúng ta hãy thực tế. Chúng ta coi thường bất cứ thứ ý thức hệ nào chỉ toàn đưa ra những loạn ngôn để làm duyên cớ. Nhân dân đòi hỏi gì? Ít và thật ra là nhiều. Ít là vì họ chỉ mong chờ một cuộc sống vật chất vừa phải: một chỗ ở tươm tất, những bữa ăn thich hợp, quần áo sạch sẽ. Trong đời sống tri thức và nghệ thuật, họ chỉ yêu cầu được học hành đào tạo và có văn hoá, được giải trí lành mạnh. Trong đời sống chính trị họ mong muốn được tham gia ý kiến về những vần đề quan trọng liên hệ đến hiện tại và tương lai của họ, và được tự do phát biểu những ý kiến và suy nghĩ chân thành của họ. Trong đời sống xã hội, họ chỉ mong được giáo dục và có cuộc sống đạo đức, có những phong tục tập quán trong sáng đẹp đẽ, những cư xử chuẩn mực của từng cá nhân và nhất là của những kẻ đang nắm quyền. Họ coi tất cả những xung đột về ý thức hệ hay về những thứ tương tự chỉ là vấn đề văn phạm trong ngôn ngữ mà thôi, như Montaigne đã viết. Họ cũng chẳng cần biết những chính sách đưa ra là tư bản hay cộng sản. Cái chính yếu là làm sao mang lại ấm no cho dân tộc: tất cả những thứ khác đều là những chuyện ba hoa chích choè và vô nghĩa.

Hiện nay, đảng cộng sản đang nắm quyền trên đất nước. Họ đã qua những lúc vinh quang và những lúc khổ nhục. Không thể chối cải là nhân dân không có một thứ quyền gì trên những bí mật và sinh hoạt của Đảng: đó là một thế giới riêng rẽ, nằm bên trên thế gian này. Cái độc quyền chính trị mà họ đã bảo vệ bằng mọi giá đã rèn dũa thành một sự kết hợp chặt chẽ và đã củng cố khối người của ho nhưng nó cũng đã đưa đến việc phạm những tội ác kinh hoàng không thể nào chuộc lỗi được, những tội ác mà chính họ cũng đã công nhận là sự tàn phá là vô cùng nghiêm trọng. Bây giờ, họ muốn tự khảm xa cừ lên mình, họ đã tổ chức hoàn hảo một guồng máy bạo lực. Muốn bứng họ đi là có đổ máu. Họ tuyên bố là họ rất mong muốn đổi mới bằng những thay đổi cơ bản và cốt yếu. Hãy cho họ một thời gian ân huệ, một án treo. Nếu, nhờ vào những cố gắng nhiệt thành, những hy sinh với giá cao, tự mình đổi mới, thực tâm và chân thành áp dụng cái nguyên tắc mà họ từ lâu nay tuyên cáo: đó là “vì dân và do dân”, thì tại sao chúng ta không dành cho họ một cơ hội chót? Nếu chúng ta loại cấm họ như là một đảng chính trị, thì chúng ta sẽ lại chơi trò chính trị, đang chứng tỏ lại với họ cái cuồng tín mà chúng ta đã từng lên án họ. Cái đặc ân này sẽ làm họ suy nghĩ lại, họ sẽ cố gắng trở nên xứng đáng hơn với lòng tin của nhân dân bằng cách thoả mãn quyền lợi của nhân dân và biết tôn trọng ước nguyện của nhân dân.

Chúng tôi đã không ngã giá trên các món đồ. Thật quá sự mong đợi của tôi, người khách đã trả cho tôi gấp đôi cái giá mà tôi đề nghị.

(Còn tiếp)

Nguyễn Mạnh Tường
Nguyễn Quốc Vĩ chuyển ngữ


[3] Animus: nam tính của người phụ nữ, anima: nữ tính của người đàn ông (N.D.)

[4] Giáo dục kiểu Spartan: nói giáo dục lòng can đảm, sự anh dũng, bền bỉ, khắc khổ, có ý thức kỷ luật cao, chiến đấu giỏi.(N.D.)