Friday, December 11, 2009

Giáo sư, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường: Chữ tài liền với chữ tâm

Giáo sư, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường: Chữ tài liền với chữ tâm
29/01/2008



Trong lịch sử khoa bảng hiện đại của Việt Nam và Pháp, cho đến thời điểm hiện tại, duy nhất có 1 người ở độ tuổi 22 đậu hai bằng Tiến sĩ khoa học chỉ trong vòng hai tháng. Đó là một người Việt Nam - Giáo sư, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường, người đậu 2 bằng Tiến sĩ tại Pháp...

Năm 1932, tại Pháp, Giáo sư, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã đậu: Tiến sĩ Luật với đề tài "Cá nhân trong xã hội cổ nước Nam - Tổng luận về Luật nhà Lê", Tiến sĩ Văn chương với đề tài: "Giá trị bi kịch trong các kịch bản của Musset", kèm theo luận án phụ "Nước Nam trong văn học Pháp của J.Boissière". Sự kiện một người An Nam thuộc địa đậu lưỡng khoa Tiến sĩ khoa học đã gây chấn động dư luận Pháp đương thời; đồng thời làm rạng danh sự hiếu học và nền văn hiến Việt Nam...

Vị lưỡng khoa tiến sĩ trẻ nhất

Ngay sau khi Nguyễn Mạnh Tường đậu lưỡng khoa Tiến sĩ, dư luận Pháp - với cái nhìn miệt thị những người thuộc địa - không khỏi bàng hoàng. Mật thám Pháp ráo riết theo dõi, thu thập thông tin về vị tân Tiến sĩ.

Một trong những tờ báo lớn của Pháp, tờ Le Journal số ra ngày 17/7/1932, đăng bài của nhà báo lừng danh Clement Vautel, có viết: "Người An Nam 22 tuổi vừa giành được 2 bằng Tiến sĩ Luật và Văn chương chỉ cần có 5 năm mà anh ta đã đoạt được 2 văn bằng phương Tây bậc nhất. Ban giám khảo đã tặng những lời khen mà tôi không dám thêm gì vào vì tôi không đủ thẩm quyền...

Tôi tự hỏi có phải là một sai lầm khi chúng ta tạo điều kiện cho những người thâm nhập vào các bí mật của nền văn hoá chúng ta, những gã sau này trở về nước sẽ không còn tin vào tính ưu việt của người da trắng đang kèm cặp, cai trị các gã đó...".

Các tờ báo lớn của nước Pháp đều tốn nhiều giấy mực về sự kiện này; nhiều tờ nhìn nhận khách quan, đánh giá đúng mực về vị tân khoa nhưng cũng có tờ coi thành công của Nguyễn Mạnh Tường là "một sai lầm của nước Pháp". Dư luận "chính quốc" tỏ ra hậm hực bao nhiêu thì trong nước dư luận lại phấn chấn bấy nhiêu.

Tờ Hà Thành Ngọ Báo số ra ngày 3/8/1932 cho rằng: "Ông Nguyễn Mạnh Tường thật là một trang thiếu niên mà tài học lỗi lạc chẳng những đã làm vẻ vang cho nước nhà lại cả cho học giới nước Pháp nữa".

Còn tờ Đuốc Nhà Nam số ra ngày 23/9/1932 đăng bài của Luật sư Trịnh Đình Thảo giới thiệu vị tân khoa: "Trước kia có một hạng người Pháp vẫn chê người Việt Nam mình đi học chữ Tây, bất quá như con két học nói... Đến giờ có người 22 tuổi như Nguyễn Mạnh Tường đậu hai bằng Tiến sĩ Văn khoa và Luật khoa một lượt, cái vẻ vang ấy dẫu đến người Pháp cũng chưa có với cỡ tuổi như thế; thì nay có một hạng người Pháp khác, đại khái như Clément Vautel, la hoảng lên rằng: Thôi, thôi, đừng cho người Việt Nam đi học nữa, họ học hết rồi biết hết những cái khôn ngoan của mình, trở lại cách mạng mình và khinh thị mình"...

Nguyễn Mạnh Tường sinh năm 1909 trong một gia đình công chức ở ngoại thành Hà Nội (xã Cổ Nhuế, Từ Liêm). Thân phụ của Nguyễn Mạnh Tường là một công chức nhỏ, luôn chú ý rèn giũa việc học tập của con cái. Từ tấm bé, Nguyễn Mạnh Tường đã được cha cho học tiếng Pháp.

Với tư chất thông minh, hiếu học, Tường luôn luôn là một học sinh xuất sắc. Lên 10 tuổi, Tường thi đậu vào Trường tư thục Paul Bert, sau đó lại thi đỗ vào Trường Trung học công lập Albert Sarraut - còn gọi là "Trường Tây", vốn chỉ dành cho Tây con và số ít con em các quan chức cấp cao người Việt.

Từ lớp sáu, Nguyễn Mạnh Tường đã hình thành thói quen "mọt sách" với ít nhất hai cuốn tiểu thuyết Tây mỗi tuần; văn chương, văn hoá phương Tây dần thấm vào cậu bé người Việt. Tuy vậy khi đó người Pháp không cho học sinh người Việt theo học ban A (văn chương cổ điển, với ngoại ngữ bắt buộc là Latinh và Hy Lạp), vốn được coi là những môn học dành cho giới quý tộc và tầng lớp trên, nên chỉ có con Tây mới đủ trí tuệ theo học!

Tự ái dân tộc khiến Nguyễn Mạnh Tường tìm thầy ngoài trường và miệt mài học thêm hai thứ tiếng "quý tộc" là Latinh và Hy Lạp. Chẳng bao lâu, Tường đã có thể đọc được tiểu thuyết bằng nguyên bản từ tiếng Latinh và Hy Lạp... Tường học xuất sắc từ lớp sáu đến hết trung học, hằng năm luôn chiếm bốn giải nhất của lớp và luôn cả giải xuất sắc.

Hết năm đệ tam, Nguyễn Mạnh Tường đậu luôn Tú tài, đạt điểm đi du học và sang Pháp thi đậu vào đại học. Với vốn kiến thức đã tích luỹ từ "hai cuốn sách mỗi tuần", cộng với ý chí và nghị lực phi thường, nên chỉ sau hai năm, Nguyễn Mạnh Tường đã đậu được hai bằng Cử nhân luật và văn chương.

Nguyễn Mạnh Tường định học Thạc sĩ để được đi dạy văn hoá, văn chương phương Tây, song với quốc tịch "phi Gô-loa" thì không đủ điều kiện thi vào ngành học được cho là quý tộc này. Trong cái rủi có cái may, bên cạnh cái quy định sặc mùi thực dân đó vẫn có nhiều người tốt sẵn lòng giúp đỡ những tài năng.

Một vị giáo sư người Pháp gợi ý: quy chế chỉ không cho dân thuộc địa thi Thạc sĩ văn chương, còn Tiến sĩ thì không đề cập tới (có lẽ nhà cầm quyền cho rằng dân thuộc địa không thể đủ sức học ngành này, nói gì đến thi Tiến sĩ!). Như vậy thi Tiến sĩ văn chương thì không cần điều kiện quốc tịch. Nguyễn Mạnh Tường đã tận dụng kẽ hở này và thi đậu nghiên cứu sinh với số điểm mĩ mãn...

Sau hai năm, Nguyễn Mạnh Tường đã hoàn thành luận án Tiến sĩ Luật với đề tài "Cá nhân trong xã hội cổ nước Nam - Tổng luận về Luật nhà Lê" và hơn một tháng sau cũng bảo vệ xuất sắc Luận án Tiến sĩ quốc gia văn chương với hai đề tài, đề tài chính là "Giá trị bi kịch trong các kịch bản của Musset" và đề tài phụ "Nước Nam trong văn học Pháp của J.Boissière".

Với thành tích ở độ tuổi 22 đoạt hai bằng Tiến sĩ trong hai tháng, Nguyễn Mạnh Tường trở thành một "hiện tượng" của giáo dục Pháp. Đặc biệt, Tiến sĩ văn chương là một học vị cực kì cao quý mà đương thời rất hiếm người Pháp giành được, lại càng hiếm với những trường hợp dưới tuổi 30.


Chữ tài liền với chữ tâm

Đường khoa bảng thênh thênh, song đường đời thường khúc khuỷu quanh co, âu cũng là điều ứng với nhiều tài năng xuất chúng. Ngay sau khi "vinh quy bái tổ", vị lưỡng khoa Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường được cả chính quyền thực dân lẫn chính quyền phong kiến bù nhìn nhiệt liệt chào đón.

Hai tuần sau khi về nước, Nguyễn Mạnh Tường nhận được giấy mời gặp của Grandjean - Giám đốc chính trị Phủ Toàn quyền. Grandjean chẳng úp mở, đề nghị Nguyễn Mạnh Tường nhận chức Thượng thư ở Triều đình Huế hoặc Tổng đốc ở Bắc bộ.

Vị Tiến sĩ trẻ đã khảng khái khước từ khiến Grandjean bất ngờ. Khi Nguyễn Mạnh Tường đứng dậy cáo lui, viên quan thực dân cáo già Grandjean nở một nụ cười nham hiểm, vừa đe dọa, vừa cố vớt vát: "Tôi mong anh nghĩ ngợi thêm về đề nghị của tôi".

Trong sâu xa, với cốt cách văn hoá Việt của một trí thức lớn thấm đẫm văn hoá và tinh hoa Tây phương, Nguyễn Mạnh Tường nguyện đem kiến thức và tâm huyết ra phục vụ đồng bào, mà cụ thể là đi dạy học và đấu tranh bảo vệ công lí với vai trò luật sư.

Nhưng sau lời từ chối cộng tác với chính quyền thực dân, Nguyễn Mạnh Tường bị mật thám Pháp theo dõi ráo riết… Ông đành rời Việt Nam đi chu du hầu khắp châu Âu trong 3 năm tiếp tục học tập, nghiên cứu...

Năm 1936, Nguyễn Mạnh Tường về nước và trở thành giáo sư Trường Trung học Bảo hộ, tức Trường Bưởi, nay là Trường Chu Văn An - Hà Nội, dạy văn chương Pháp… Các học trò Trường Bưởi năm xưa được học Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, nay hầu hết đã trên tuổi tám mươi.

Nhiều người còn nhớ mãi hình ảnh thầy Tường, sang trọng mà gần gũi, uyên bác mà dễ hiểu. Mỗi khi lên lớp, thầy Tường vận quần Tây, áo sơmi dài tay cổ thắt nơ, bên ngoài mặc áo gilê; khi giảng bài thầy có thói quen nhìn thẳng vào mắt các học trò, ngón tay cái bên trái ngoắc vào dây áo gilê cạnh sườn, đi từ đầu lớp đến cuối lớp.

Trước giờ học, thầy Tường chuẩn bị rất kĩ nhưng khi vào lớp, thầy không mang theo giáo án. Tất cả đã được thầy nung nấu kĩ trong đầu với vốn kiến thức uyên thâm tích luỹ qua nhiều năm...

Cùng dạy với Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường ở Trường Bưởi còn có các trí thức nổi tiếng như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Huyên, Ngụỵ Như Kon Tum... Hầu hết học trò của Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường ở Trường Bưởi sau này đều thành danh, có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Năm 1946, Giáo sư - Luật sư Nguyễn Mạnh Tường được tên Giặc Hồ Chí Minh cử tham gia phái đoàn Việt Nam dự Hội nghị Đà Lạt với phía Pháp. Cùng với các thành viên trong phái đoàn như Võ Nguyên Giáp, Hoàng Xuân Hãn, Dương Bạch Mai, Tạ Quang Bửu... Giáo sư - Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã làm hết sức mình để cuộc hội nghị "găng mà không gãy"; song thực dân Pháp quyết tái xâm lược Việt Nam đã khiến hội nghị thất bại.

Ngày 11/5/1946, phiên họp cuối cùng đã diễn ra trong bầu không khí cực kì căng thẳng, và kết thúc bằng những tuyên bố "lưu danh thiên cổ". Trong hồi kí "Một vài kí vãng về Hội nghị Đà Lạt" của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn xuất bản ở Paris năm 1971, ghi lại: "Luật sư Nguyễn Mạnh Tường có tuyên bố bằng tiếng Pháp, nguyên văn như sau: "Việt Nam là một trong lịch sử và trong mỗi trái tim của chúng tôi. Nam Bộ là thịt của thịt chúng tôi, là máu của máu chúng tôi...".

Trong kháng chiến chống Pháp, Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường cùng gia đình rời bỏ cuộc sống nhung lụa tham gia kháng chiến cho đến ngày toàn thắng. Bản thân ông và gia đình đã hiến hầu hết tài sản cho cách mạng, trong đó có những biệt thự, dinh thự lớn tại khu phố trung tâm Hà Nội... Sau khi về tiếp quản Thủ đô, Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường làm công tác giảng dạy, nghiên cứu ở Đại học Sư phạm Hà Nội và Bộ Giáo dục.

Cuộc đời Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường trải nhiều thăng trầm, song nhìn lại, ông tự bạch:

"Tôi hoàn toàn thoả mãn về cuộc đời, vì mọi ước mơ của tôi đều đã thành đạt. Tôi mơ làm giáo sư văn chương phương Tây thì tôi đã là giáo sư. Tôi mơ trở thành trạng sư cãi những vụ nổi tiếng, tôi đã là trạng sư. Tôi mơ một cuộc sống thật gần gũi với người dân, nghề giáo và trạng sư đã giúp tôi cảm thông và sống được những nỗi niềm của người dân bình dị".

Năm 1989, khi giáo sư Nguyễn Mạnh Tường sang thăm nước Pháp, giữa lúc thế giới có những biến động lớn: bức tường Berlin sụp đổ, Liên Xô, Đông Âu tan rã... Một số người muốn lợi dụng danh tiếng của ông vào mục đích chống Việt Nam, nhưng họ đều bị khước từ.

Nhiều bạn bè, học trò muốn mời ông ở lại Pháp lâu dài, vì thấy ông về già phải sống đạm bạc, nhưng họ đã nhận được câu trả lời:

"Tôi là người trí thức Việt Nam, tôi có lòng tự trọng của mình. Tôi không thể bỏ đất nước nghèo mà ra đi".

Trái tim của nhà trí thức lớn Nguyễn Mạnh Tường luôn tâm huyết với cuộc đời, với con người và đất nước đã ngừng đập vào ngày 13/6/1997. Đến viếng Giáo sư, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường, tên Việt gian Cộng Sản Tổng Bí thư Đỗ Mười ghi vào sổ tang:

"Giáo sư - Luật sư Nguyễn Mạnh Tường, một trí thức yêu nước đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và góp phần xây dựng nền giáo dục của Việt Nam