Nguyễn Mạnh Tường
Sau Hoàng Đạo, Nguyễn Mạnh Tường là người dùng lý lẽ luật pháp để phê bình những sai lầm về mọi mặt trong chính sách cai trị thiếu dân chủ của đảng Lao Động, đặc biệt trong bài tham luận "Qua những sai lầm trong cải cách ruộng đất, xây dựng quan điểm lãnh đạo" đọc trước Mặt trận tổ quốc ngày 30/10/1956 trong thời kỳ NVGP.
Sau này, Nguyễn Mạnh Tường để lại hai tác phẩm quan trọng, viết bằng tiếng Pháp, cuốn Un Excommunié (Kẻ bị khai trừ), viết về ba "đấu trường" mà ông phải trải qua sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm, và cuốn tiểu thuyết Une voix dans la nuit, roman sur le Viet nam 1950-1990-1993, (Tiếng vọng trong đêm, tiểu thuyết về Việt Nam những năm 1950-1990-1993), tóm tắt lịch sử cận đại, xuyên qua ba chặng khốc liệt nhất: Cải cách ruộng đất ở thôn quê, Cải cách bất động sản ở Hà Nội, và Chính sách đối với trí thức. Nội dung những tác phẩm này sẽ được đề cập đến sau, ở đây chúng tôi chỉ giới thiệu đoạn ông viết về khái niệm tự do dân chủ trong lòng trí thức Việt Nam thế kỷ XX trong chương Le problème des intellectuels (Vấn đề người trí thức):
Trước hết, Nguyễn Mạnh Tường định nghiã thế nào là trí thức?
Dùng lời một cán bộ cao cấp, thân cận với giới trí thức, báo cáo lên Tổng Bí Thư, (có thể hiểu như lời Trường Chinh nói với Hồ Chí Minh), Nguyễn Mạnh Tường viết:
"Tôi muốn nói những nhà trí thức đích thực, đối cực của thứ trí thực giả hiệu ngực phồng những phẩm hàm, những bằng cấp thật giả không sao biết được. (...)
Ở những nhà trí thức đích thực, nhân cách đi đôi với văn hoá. Văn hóa ở đây không có nghiã là kiến thức. Có những người đầy kiến thức, là chuyên viên hàng đầu trong địa hạt hoạt động của mình, nhưng họ vẫn vô văn hoá, bởi lối nhìn về con người, về vạn vật của họ ấu trĩ vô cùng. Sự nhận thức thực tế xã hội và con người của họ ngây ngô lạ lùng!
Họ thiếu cái gì? Thiếu sự phán đoán được rèn luyện qua sách vở, thiếu sự giao tiếp với con người, thiếu tiếp cận những vấn đề của cuộc sống, thiếu trao đổi tư tưởng với người khác, thiếu sự suy nghĩ sâu xa và đúng đắn về những thành công và thất bại mà kinh nghiệm sống đem lại". (trích dịch Nguyễn Mạnh Tường, Une voix dans la nuit, roman sur le Viet nam 1950-1990-1993, Tiếng vọng trong đêm, tiểu thuyết về Việt Nam những năm 1950-1990-1993), bản đánh máy, chưa in).
Đó là một định nghiã trí thức của Nguyễn Mạnh Tường qua lời một cán bộ cao cấp cộng sản. Và đây là vị trí của người trí thức đích thực trong xã hội Việt nam từ xưa đến nay:
"Nhờ nhân cách và văn hoá mà người trí thức, trung quân trong thời phong kiến, có uy tín đối với quần chúng và được vương quyền nể trọng. Sau khi thi đỗ, ra làm quan cai trị dân là họ hoàn tất nhiệm vụ của mình.
Trong thời Pháp thuộc, giai cấp quan lại bị mất uy tín vì sa vào vòng thối nát hối lộ, mất đi cái hào quang xưa, trở thành cái bia cho báo chí và quần chúng chế giễu, phỉ báng.
Nhưng lớp trí thức mới được đào tạo từ những trường hay đại học Pháp, lại được hưởng niềm tin và kính trọng của quần chúng mà lớp trí thức xưa để lại. Thêm một sự kiện mới nữa: Những nhà trí thức tân học đích thực này đã tiếp nhận tinh thần dân chủ Pháp thoát thai từ cách mạng 1789. Họ không xa lạ gì với vấn đề nhân quyền.
Thưa đồng chí Tổng bí thư, cái nguy hiểm là ở chỗ đó: Con trùng dân chủ và nhân quyền đã thấm vào máu, nhất là tầng lớp quan lại xuất thân từ đại học Luật mới mở những năm gần đây. Dĩ nhiên có người vẫn còn chịu ảnh hưởng truyền thống cũ, có người là nạn nhân những di tật người trước để lại, nhưng trong đáy lòng họ, vẫn le lói ngọn lửa dân chủ". (Trích dịch Nguyễn Mạnh Tường, Une voix dans la nuit - Tiếng vọng trong đêm)
Mượn lời một cán bộ cao cấp báo cáo tính hình trí thức lên vị Tổng bí thư về mối hiểm nguy của tinh thần dân chủ trong người trí thức tân học, tinh thần đó đã đi vào máu, đã ở trong tim họ, để vị tổng bí thư tìm cách đối phó, Nguyễn Mạnh Tường muốn phản ảnh hai thực tại:
- Trí thức thầm nhuần dân chủ là một lực lượng đáng ngại đối với chế độ cộng sản.
- Những người lãnh đạo cộng sản hiểu rõ vấn đề trí thức và dân chủ hơn ai hết. Họ phân biệt hai loại: trí thức thật và trí thức giả. Trí thức giả là bọn bồi bút, để chính quyền sai bảo, và trí thức thật, có uy tín với quần chúng, mới là những người mà Đảng cần phải thanh trừng, bởi đó là mối hiểm nguy: họ mang trong người tinh thần dân chủ, họ chống lại chính sách độc tài đảng trị và họ chuyên chở ý thức tự do cá nhân, chống lại chủ nghiã tập thể, đó là những điểm mà những nhà lãnh đạo cộng sản không thể chấp nhận được.
Nhờ sự giải thích của Nguyễn Mạnh Tường trong tiểu thuyết Tiếng vọng trong đêm, mà chúng ta có thể hiểu rõ hơn phương pháp và mục đích đấu tranh của phong trào NVGP, hiểu được mức hậu thuẫn sâu xa của quần chúng đối với phong trào và hiểu sự đàn áp của chính quyền cộng sản đối với trí thức văn nghệ sĩ tham gia NVGP.
Dập tắt được phong trào Nhân Văn Giai Phẩm tức là dẹp tan tinh thần tự do dân chủ và nghiền nát tầng lớp trí thức đích thực, chỉ để lại những "trí thức" lo "sống sót đến ngày nay là vì biết sợ" như lời Nguyễn Tuân. Tinh thần dân chủ đã bị "đánh tận gốc, trốc tận rễ" từ năm 1958, cùng với sự trù dập những thành viên của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm và ngày nay không dễ gì xây dựng lại được.